Câu chuyện thành công của ông Bezos bắt đầu từ năm 1994, khi ông ra mắt Amazon.com tại garage của gia đình. Đó là thời kỳ đầu của kỷ nguyên kỹ thuật số, và ông Bezos là một người có tầm nhìn. Ông hiểu được rằng cửa hàng trực tuyến của ông sẽ không chỉ dừng lại ở những cuốn sách. Từ đó, ông đã xây dựng Amazon.com trở thành hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, bán tất cả các sản phẩm với mức giá thấp và thời gian vận chuyển nhanh chóng.
Dưới đây là 8 bài học quan trọng nhất đằng sau thành công của người giàu có nhất hành tinh Jeff Bezos
1. Theo đuổi triết lý “ngày đầu tiên”
Ông Bezos đưa ra triết lý “ngày đầu tiên” từ những ngày đầu hoạt động của Amazon. Triết lý này có nghĩa rằng Amazon sẽ luôn cố gắng giữ tinh thần của một công ty khởi nghiệp – chống lại sự tự mãn có thể giết chết thành công. Ông Bezos định nghĩa “ngày thứ hai” là sự ngưng trệ, và tiếp đó sẽ là sự suy giảm. Do đó, ông luôn cố gắng giữ công ty ở trạng thái “ngày đầu tiên”.
Ông Bezos đã từng đề cập triết lý “ngày đầu tiên” trong bức thư gửi tới cổ đông vào năm 1997. Ông bắt đầu bằng việc liệt kê các sự kiện mà công ty đã đạt được trong năm đó, như là phục vụ 1,5 triệu khách hàng và đem về doanh thu 147,8 triệu USD. Tiếp đó, ông nói về cách công ty phải tiếp tục tìm kiếm cơ hội để phát triển trong thị trường đầy cạnh tranh. Hiện tại, Amazon đang phục vụ hơn 310 triệu khách hàng, với doanh thu năm 2017 đạt 178 tỷ USD.
Triết lý “ngày đầu tiên” kết hợp với tầm nhìn, cùng sự quyết tâm và những bước đi táo bạo có tính toán đã trở thành kim chỉ nam cho Amazon.
2. Lấy khách hàng làm trung tâm
Ngay từ những ngày đầu, ông Bezos đã bị ám ảnh với việc luôn đổi mới theo nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Ông tin rằng việc tập trung vào khách hàng là cốt lõi, chứ không phải đối thủ cạnh tranh. Theo ông Bezos, đừng lãng phí thời gian để nâng cao vị thế, thay vào đó, hãy tập trung vào việc đi trước thị trường, tìm cách để khách hàng cảm thấy hào hứng và đòi hỏi nhiều hơn.
“Một điều tôi yêu thích ở khách hàng là họ luôn bất mãn. Kỳ vọng của họ không bao giờ đứng yên. Đó là bản chất con người… Chúng ta không thể ngủ quên trên chiến thắng ở thế giới này”, ông Bezos viết trong thứ gửi tới cổ đông vào năm 2017.
Bạn cần hiểu rõ thị trường của mình và những gì mà khách hàng đang tìm kiếm. Nếu bạn mang lại cho khách hàng những gì mà họ muốn, họ sẽ tiếp tục quay trở lại. Ông Bezos coi đây là cách duy nhất để tồn tại và phát triển trong một thị trường luôn có sự thay đổi, và đó cũng là nguyên tắc cơ bản quan trọng nhất đằng sau tất cả những thương vụ đầu tư của Amazon.
3. Bạn sẽ hối hận điều gì khi 80 tuổi?
Trong thế giới kinh doanh khốc liệt, thật khó để biết cơ hội nào là phù hợp và cơ hội nào nên bỏ qua. Làm thế nào để bạn có thể xác định được con đường đi đúng đắn?
Đây là tình huống mà ông Bezos phải đối mặt khi ông nảy ra ý tưởng thành lập cửa hàng sách trực tuyến. Thời điểm đó, ông đã có một công việc tuyệt vời tại một quỹ đầu cơ, song ông đã nhận thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của Internet và biết được rằng ý tưởng của mình thực sự có tiềm năng. Vậy, bằng cách nào mà ông Bezos có đủ can đảm rời bỏ một công việc ổn định với mức lương cao để khởi nghiệp?
Trong thời khắc đó, ông Bezos đã tưởng tượng mình 80 tuổi và tự hỏi rằng liệu bản thân có hối hận khi không nắm lấy cơ hội này? Và câu trả lời chắc chắn là “có”.
“Trong hầu hết mọi trường hợp, sự hối tiếc lớn nhất của chúng ta hóa ra là việc bỏ qua cơ hội. Đó là những con đường đã không lựa chọn và nó sẽ ám ảnh chúng ta”, ông Bezos cho biết. Và ông luôn cảm thấy tự hào rằng ông đã làm thử, ngay cả khi có thể thất bại.
4. Xây dựng đội ngũ tốt nhất cho doanh nghiệp
Sự thành công của doanh nghiệp phần nhiều phụ thuộc vào nguồn nhân lực. Ông Bezos rất coi trọng việc xây dựng đội ngũ nhân viên. Triết lý của ông là tập trung vào việc đưa đúng người vào đội ngũ quản lý, sau đó cho họ hưởng thành quả trong sự thành công của công ty, nhằm thúc đẩy động lực cống hiến.
Trong thư gửi cổ đông năm 2017, ông Bezos có viết: “Chúng tôi biết thành công của chúng tôi phần lớn nhờ vào khả năng thu hút và giữ chân đội ngũ nhân viên có động lực, mỗi người đều phải nghĩ rằng mình là chủ công ty và thực sự đúng như vậy.”
Để làm được điều này, Amazon có chế độ thưởng quyền chọn mua cổ phiếu hậu hĩnh dành cho nhân viên. Và đó là động lực giúp nhân viên cống hiến vào thành công chung của công ty.
Amazon thậm chí còn thực hiện việc trả 5.000 USD cho những nhân viên muốn nghỉ việc. Điều này cho phép công ty có thể loại bỏ những nhân viên bất mãn hoặc không muốn làm việc, từ đó, tiết kiệm chi phí nhiều hơn trong dài hạn. Và những nhân viên ở lại sẽ cam kết hơn với công việc.
5. Hãy táo bạo và luôn đổi mới
Ông Bezos cho biết mục tiêu của Amazon là trở thành “công ty lấy khách hàng làm trung tâm nhất thế giới”, do đó gần như tất cả mọi hoạt động của công ty đều hướng tới mục tiêu này.
Bởi vậy, Amazon liên tục tối ưu hóa hệ thống hậu cần và phân phối, nhằm giúp dịch vụ được trơn tru và hiệu quả nhất có thể. Hãng đã “rót” lượng lớn tài nguyên vào phát triển cơ sở hạ tầng, và các khoản đầu tư này đã được đền đáp xứng đáng với danh hiệu nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới.
Trong việc phát triển Amazon, ông Bezos sẵn sàng thực hiện những bước đi mạo hiểm trong ngắn hạn, miễn là có thể giúp công ty đạt được các mục tiêu trong tương lai và gia tăng thị phần.
6. Đưa doanh thu trở lại đầu tư vào công ty
Tiết kiệm là một trong những nguyên tắc cơ bản của Amazon. Chi phí thấp, sự hiệu quả và cực kỳ cạnh tranh đã đem về hàng tỷ USD cho Amazon. Ông Bezos luôn tập trung vào việc duy trì năng suất cao và đảm bảo tiết kiệm ở tất cả các cấp – từ lãnh đạo trở xuống. Website Amazon đã đưa tiết kiệm làm nguyên tắc cốt lõi: “Đạt được nhiều hơn với chi phí thấp hơn. Sự ràng buộc tạo ra tính tháo vát, tự túc và sáng tạo”.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng ông Bezos không chi tiền đầu tư, nhưng ông tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực có ích cho khách hàng. Theo ông Bezos, cắt giảm chi phí không cần thiết sẽ giúp giá giảm và tiết kiệm cho khách hàng.
Mặc dù có vốn hóa gần 900 tỷ USD, song lợi nhuận tích lũy của Amazon chỉ đạt 5,7 tỷ USD. Nguyên nhân là do Amazon liên tục tái đầu tư vào các hoạt động kinh doanh và gia tăng thị phần.
7. Chấp nhận rủi ro thất bại để thành công
Một trong những chiến lực chính để thành công của ông Bezos đến từ cách tiếp nhận sự thất bại. Ông tin tưởng vào việc thử một loạt các ý tưởng, dù rằng một số dự án sẽ thất bại. Ông cho rằng chấp nhận những rủi ro đã được tính toán là cần thiết. Thực tế, chấp nhận khả năng thất bại đã giúp ông Bezos có đủ can đảm để khởi nghiệp.
Khi mới thành lập Amazon, ông Bezos tin rằng mình chỉ có 30% cơ hội thành công. Ông đã xây dựng công ty bằng cách chấp nhận rủi ro và đôi khi làm như vậy có nghĩa là mất tiền để được bài học. Ông cũng từng đùa về việc tạo ra “hàng tỷ USD từ thất bại”.
8. Luôn luôn hướng về phía trước
Ông Bezos luôn tập trung vào tư duy và chiến lược dài hạn khi nói về Amazon. Và ông cũng hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho mọi người luôn hướng về tương lai phía trước. Điều này được thể hiện qua nhiều dự án mà ông đang thực hiện.
Năm 2000, ông Bezos thành lập hãng hàng không vũ trụ Blue Origin, phát triển công nghệ nhằm tạo ra các chuyến bay vào không gian với giá cả phải chăng cho mọi người. Đó là một phần ước mơ dài hạn của ông trong việc đưa con người định cư ngoài vũ trụ. Ông cũng đang làm việc với Long Now Foundation để xây dựng đồng hồ vạn niên – biểu tưởng của tư duy dài hạn.
Hướng tới tương lai với mục tiêu dài hạn từ lâu đã luôn được ấp ủ trong cách nghĩ và quan điểm của ông Bezos. Đối với ông, hành trình này không bao giờ kết thúc.
Theo Baomoi.com