Bạn đã đến tuổi học MBA?

23/05/2014

 Trước hết, cần xem lại bạn đang ở chặng nào của hành trình sự nghiệp: sinh viên vừa ra trường, nhân viên tập sự, quản trị cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp… Mỗi chặng tương ứng với nhu cầu học MBA nhất định.

Đây là mối quan tâm hàng đầu của nhiều ứng viên MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) trước khi quyết định theo học. Người trẻ tiếp thu nhanh nhưng hạn chế về kinh nghiệm làm việc, người lớn tuổi hơn có bề dày “chinh chiến” trên thương trường, song mối lo toan cũng vì thế mà khiến họ “nặng đầu” hơn.

Một điểm nữa cần lưu ý, MBA chỉ thực sự có giá trị khi bạn muốn làm một cuộc “cách mạng” lớn trong tư duy nghề nghiệp lẫn kiến thức chuyên môn, nhắm đến mục tiêu cụ thể là tăng lương, thăng tiến, thay đổi công việc, hoặc khởi nghiệp riêng.

Theo khảo sát từ Harvard Business School (HBS), trường đào tạo kinh doanh nổi tiếng của Hoa Kỳ, độ tuổi trung bình của các học viên HBS khóa 2014 thường là trên 28 tuổi, tương đương sáu năm kinh nghiệm trong công việc.

Tại Việt Nam, có nhiều chương trình MBA không yêu cầu số năm kinh nghiệm làm việc, nghĩa là sinh viên vừa tốt nghiệp ĐH là có thể theo học ngay. Dẫu vậy, thiếu va chạm nghề nghiệp, người học sẽ khó hình dung được độ phức tạp và khốc liệt của thương trường, dẫn tới cảm giác bị “hụt hơi” trong các cuộc thảo luận, phân tích bài tập tìn huống (case study) – phương pháp học phổ biến của MBA.

Bạn đã đến tuổi học MBA 01

Học viên MBA-MCI khóa 2013-2015 thảo luận nhóm trong module Leadership của GS. Pieter Perrett – Ảnh: MBA-MCI Việt Nam.

Trong khi đó, ứng viên lớn tuổi không chỉ thấu đáo và bao quát trong cách nhìn nhận vấn đề, mà còn đóng góp vào lớp học những trải nghiệm nghề nghiệp phong phú và đáng giá. Mặt khác, họ luôn biết rõ “tôi cần gì, vì sao tôi học MBA và tôi sẽ làm gì với tấm bằng đó sau khi tốt nghiệp”.

Các chương trình MBA còn lại tại Việt Nam đều yêu cầu số năm kinh nghiệm làm việc phải đạt mức tối thiểu một hoặc hai năm, chỉ có một số rất ít chương trình đòi hỏi khắt khe lên tới ba năm. Điều này cho thấy, có sự liên quan mật thiết giữa bề dày kinh nghiệm làm việc với độ tuổi của ứng viên. Trong một chừng mực nhất định, bề dày kinh nghiệm của học viên còn phản ánh chất lượng của chương trình MBA: chọn lọc đầu vào, không cào bằng.

ThS. Nguyễn Thị Ánh Phương, Giám đốc chương trình MBA-MCI (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh chuyên ngành Tư vấn Quản lý Quốc tế) liên kết giữa ĐH Khoa học Ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ (top 5 ĐH hàng đầu Thụy Sĩ) và ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: “Các học viên MBA-MCI có tuổi đời, tuổi nghề rất đa dạng, phổ biến nhất là 10-14 năm kinh nghiệm (31%) và 3-5 năm kinh nghiệm (24%). Đặc biệt, nhóm học viên có thâm niên làm việc từ 15 năm chiếm tỉ lệ không nhỏ: 17% (xem bảng dưới). Thậm chí có học viên sắp tới tuổi hưu”.

Bạn đã đến tuổi học MBA 02

Bảng thống kê số năm kinh nghiệm làm việc trung bình của học viên MBA-MCI tính đến năm 2013 – Nguồn: MBA-MCI Việt Nam

Có thể thấy, nhu cầu học MBA không giới hạn bất kỳ độ tuổi nào. Tuổi đời và tuổi nghề càng đa dạng thì mạng lưới xã hội (network) và mối quan hệ (relationship) giữa các học viên càng được mở rộng và củng cố, rất thuận lợi cho việc thiết lập các liên kết kinh doanh của họ về sau.

Một trong những gương mặt điển hình của nhóm học viên có thâm niên làm viên từ 15 năm của MBA-MCI là chị Phan Thị Thu Hương (khóa 2011-2013), 49 tuổi, 25 năm kinh nghiệm tư vấn và quản trị tại Dynamic Consulting, Tập đoàn Thiên Long, Fujitsu Vietnam, Robert Bosch Vietnam, hiện là giám đốc nhân sự Công ty Schaeffler Vietnam.

Mẫn cán trong công việc, chu toàn ở gia đình, nhưng chị Hương vẫn không bao giờ từ bỏ cơ hội nâng cao kiến thức. Chị đã khảo sát bảy chương trình MBA trên địa bàn TP.HCM và quyết định chọn MBA-MCI để nâng cao hiệu quả công việc hiện tại, đồng thời chuẩn bị cho 10 năm nữa trở thành nhà tư vấn chuyên nghiệp.

Bên cạnh việc học cho mình, chị Hương còn “bật mí” lý do học vì con. “Mẹ tới tầm tuổi này mà vẫn đi học, cho nên các con phải cố gắng học và học thật tốt” – chị đã nói như thế với đám trẻ. Rất nhiều học viên trung niên của MBA-MCI khóa trước cũng chia sẻ động lực học MBA tương tự chị Hương.

Bạn đã đến tuổi học MBA 03

Chị Thu Hương, giám đốc nhân sự Công ty Schaeffler Việt Nam, chia sẻ trải nghiệm học MBA tại Hội thảo Tuyển sinh  MBA tháng 3/2014 – Ảnh: MBA-MCI Việt Nam

Thuộc nhóm học viên trẻ của chương trình, anh Lý Trung Trực (1988), chuyên viên truyền thông Công ty Kiểm thử và Phát triển phần mềm LogiGear, cùng khóa với chị Hương, bày tỏ sự hài lòng về môi trường học tập đa dạng tuổi tác: “Những học viên giàu kinh nghiệm thường nhanh chóng đề ra hướng đi với cái nhìn tổng thể và sự phán đoán mau lẹ. Trong khi người trẻ lại chọn giải pháp cho riêng mình bằng những góc nhìn sáng tạo, mới mẻ, đặc biệt là họ dám chấp nhận rủi ro. Dựa vào sự kết hợp ý tưởng của mọi người, tôi học được cách giải quyết vấn đề hiệu quả với nhiều sắc màu khác nhau”.

Đồng quan điểm với anh Trực, Elin Bornefalk, học viên nữ còn rất trẻ đến từ ĐH Borås, Thụy Điển, tham gia MBA-MCI trong khuôn khổ chương trình trao đổi học viên sáu tháng với các nước châu Âu (thời điểm theo học, năm 2010, Elin chỉ mới 22 tuổi), bày tỏ: “Điều thích nhất ở MBA-MCI là các anh chị học viên đa dạng về tuổi đời và tuổi nghề, họ dễ dàng đem đến những giá trị từ thực tiễn bên cạnh lý thuyết do giảng viên cung cấp. Điều này giúp tôi tiếp thu rất nhanh”.

Có thể nói, đằng sau quyết định theo học MBA là sự hy sinh và nỗ lực to lớn từ phía ứng viên. Sự đền đáp là khi hoàn thành chương trình, học viên sẽ tăng cường lợi thế cạnh tranh và có cơ hội trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Nói như ThS. Ánh Phương thì “khi làm việc tốt hơn, năng suất tăng lên, bạn sẽ thấy yêu công việc hơn”.

MBA-MCI Chuyên ngành Tư vấn – Khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo
Tuyển sinh khóa 10
http://mba-mci.edu.vn/tuyensinh/

THI CA

Related News

SỰ KIỆN: CONSULTING CAFE #70 “INNOVATION AND ENTREPRENEURSHIP SPECIALIZATION”

SỰ KIỆN: CONSULTING CAFE #70 “INNOVATION AND ENTREPRENEURSHIP SPECIALIZATION”

Trong thời gian gần đây, khái niệm VUCA đã trở nên quen thuộc với các nhà quản lý. VUCA là từ viết tắt của Volatility – Biến động, Uncertainty – Bất ổn, Complexity – Phức tạp và Ambiguity – Mơ hồ. Khái niệm này chủ yếu được dùng trong phạm vi kinh doanh, nhằm mô tả về...

Communication skills in consulting

Communication skills in consulting

Kĩ năng giao tiếp chính là chìa khóa trong kinh doanh giúp chúng ta chinh phục được trái tim khách hàng. Chính vì vậy, khóa học "Communication skills in consulting", một phần trong chương trình đào tạo của MBA-MCI, được ra đời.Với mục đích nhằm trang bị cho người học...