Connected Spenders – Phân Khúc Khách Hàng Mới Tại Việt Nam.

15/10/2019

 Thị trường Việt Nam đã hình thành phân khúc khách hàng người tiêu dùng kết nối (connected spenders), những người thường xuyên kết nối với internet và cũng là những người sẵn sàng chi tiêu nhiều tiền.

DIGITAL ADVERTISING 

Nielsen Việt Nam vừa công bố Nielsen Digital Ad Ratings Benchmarks – một báo cáo phân tích hiệu quả hoạt động của hơn 3.000 chiến dịch digital ad tại khu vực Đông Nam Á, cho thấy điện thoại di động (ĐTDĐ) là thiết bị được lựa chọn nhiều nhất trong quảng cáo. Trong nửa đầu năm 2017, hơn 9 trong 10 (93%) chiến dịch digital ad đã được thực hiện trên ĐTDĐ, và hiệu quả tiếp cận trên ĐTDĐ cao hơn các thiết bị kỹ thuật số khác.

Digital Advertising trở thành mũi nhọn của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Ảnh – pinterest

Aimee Gerry – Trưởng Bộ phận Digital tại khu vực Đông Nam và Bắc châu Á của Nielsen cho rằng, mặc dù quảng cáo trên máy tính để bàn đã từng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nhiều hơn quảng cáo trên ĐTDĐ, nhưng ngày nay xu hướng này đã thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt trong năm vừa qua. Các nhà quảng cáo đã và đang khai thác rất tốt sức mạnh của ĐTDĐ nhằm cung cấp nền tảng được cá nhân hóa tốt hơn, giúp họ có những kết nối phù hợp hơn với nhu cầu của bản thân.

Báo cáo mới nhất của Hãng Nghiên cứu thị trường Statista cho thấy tiềm năng của ngành quảng cáo trực tuyến. Cụ thể, doanh thu toàn thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam năm nay ước đạt khoảng 76 triệu USD và có thể tăng gấp 3 lần trong 5 năm tới, trong đó có khoảng 36% được tạo ra thông qua ĐTDĐ. Hiện, phân khúc lớn nhất của thị trường là quảng cáo bằng công cụ tìm kiếm với doanh thu khoảng 33 triệu USD.

NGƯỜI TIÊU DÙNG KẾT NỐI

Tại Việt Nam, số lượng người sử dụng ĐTDĐ và mạng xã hội đang giúp cho việc quảng cáo của doanh nghiệp thành công hơn. Theo công bố của Facebook ngày 8/3/2018, có 9/10 người Việt sử dụng ĐTDĐ thông minh và họ dành đến 2 tiếng rưỡi mỗi ngày lên mạng bằng ĐTDĐ. Mỗi tháng có 48 triệu lượt người Việt truy cập Facebook bằng thiết bị di động.

Khảo sát người tiêu dùng về ngành bán lẻ gần đây nhất của PricewaterhouseCoopers (PwC) – một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, cho thấy rõ hơn tiềm năng của ngành quảng cáo trực tuyến và lợi thế của ĐTDĐ. Theo đó, có đến 49% người tiêu dùng có thói quen mua sắm bằng ĐTDĐ hằng tháng. Người tiêu dùng đang quen dần với việc ứng dụng công nghệ vào mua sắm.

Mua sắm trực tuyến đang dần dần trở thành xu hướng mới của người tiêu dùng. Ảnh – Guardian

Hiện có rất nhiều nhà bán lẻ, đặc biệt là những nhà bán lẻ hàng công nghệ, có xu hướng tích hợp thương mại điện tử, kết nối công nghệ để hiểu rõ hơn hành vi người tiêu dùng nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất (Omni Channel). Việc tập trung phát triển hệ thống thương mại điện tử kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua mạng sẽ làm tăng thêm hiệu quả, đồng thời tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, thị trường đã hình thành một phân khúc khách hàng mà giới chuyên môn gọi là người tiêu dùng kết nối (connected spenders), những người thường xuyên kết nối với internet và cũng là những người sẵn sàng chi tiêu nhiều tiền. Đến năm 2025, số lượng người tiêu dùng kết nối này sẽ chiếm gần 40% dân số toàn cầu và đóng góp hơn 50% tổng mức tiêu dùng hằng năm trên toàn thế giới.

Nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và các nền tảng kinh doanh dựa trên công nghệ, châu Á – Thái Bình Dương sẽ là khu vực có mức độ tăng trưởng về số lượng người tiêu dùng kết nối cao nhất toàn cầu, đặc biệt là các thị trường đang phát triển như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Tại Việt Nam, số lượng người tiêu dùng kết nối trong năm 2015 là 23 triệu và sẽ tăng lên 40 triệu người trong năm 2025. Cùng với số người tiêu dùng kết nối tăng, chi tiêu hằng năm của họ tại Việt Nam cũng sẽ tăng từ 50 tỷ USD trong năm 2015 lên đến 99 tỷ USD trong năm 2025. Đến năm 2025, ước tính đóng góp doanh thu của người tiêu dùng kết nối sẽ chiếm khoảng một nửa tổng tiêu dùng hằng năm.

Omni Channel – tiếp thị đa kênh hiện nay đang là phương thức được nhiều nhà bán lẻ ưa chuộng trong việc tiếp cận khách hàng. Ảnh – ashokanews

Dù chi tiêu hào phóng nhưng trước khi ra quyết định mua sắm, những người tiêu dùng kết nối nghiên cứu rất kỹ thông tin sản phẩm trên internet. Phần lớn họ lựa chọn công cụ tìm kiếm là kênh cung cấp thông tin, tiếp đến là mạng xã hội, website của nhãn hàng và trang thương mại điện tử.

Hơn 44% doanh nghiệp và hộ kinh doanh cho rằng kênh cung cấp thông tin giúp chiến dịch quảng cáo sản phẩm đạt hiệu quả cao. Điều này đã giúp nhiều hãng quảng cáo trực tuyến lớn như Google và Facebook xâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam.

Theo DNSG Online

Related News

MBA-MCI International Study Trips 2024-2025

MBA-MCI International Study Trips 2024-2025

MBA Study Trip Indonesia 28 September to 4 October 2024 Indonesia is a fast-developing country in south east Asia. With a population of almost 280 million (4th in the world) and a GDP of 4.7 trillion (PPP, 7th in the world) Indonesia is becoming an important player in...

TRAU DỒI KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO TRONG MÔI TRƯỜNG KHÔNG NGỪNG THAY ĐỔI

TRAU DỒI KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO TRONG MÔI TRƯỜNG KHÔNG NGỪNG THAY ĐỔI

Khóa học ngắn hạn với chủ đề “Lãnh đạo thích ứng trong môi trường thay đổi” do chương trình MBA-MCI tổ chức từ ngày 30/7 đến ngày 03/8/2024 đã thu hút gần 90 lượt tham gia qua 04 buổi học trực tuyến. Các diễn giả đều là những chuyên gia hàng đầu đến từ Thụy Sĩ, đồng...