Theo kết quả khảo sát 2.701 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM trong “Báo cáo thường niên về khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với các ngành và lĩnh vực trọng điểm của TP.HCM năm 2021”, có 907 doanh nghiệp có thực hiện các hoạt động ĐMST trong năm 2020 (chiếm tỷ lệ 33,6%). Trong đó, chủ yếu các doanh nghiệp thực hiện “Đổi mới về phương pháp quản lý, tổ chức” và “Đổi mới về quy trình sản xuất/cung ứng dịch vụ”. Hoạt động “Đổi mới về sản phẩm, dịch vụ cung ứng” hầu như rất ít doanh nghiệp thực hiện.
Hoạt động “Đổi mới về sản phẩm, dịch vụ cung ứng” hầu như rất ít doanh nghiệp thực hiện. Ảnh: sưu tầm
Có thể thấy, đổi mới sáng tạo là một lĩnh vực vô cùng rộng lớn, bao gồm nhiều hình thức triển khai, từ đổi mới về quy trình sản xuất/ cung ứng dịch vụ, đổi mới về phương pháp quản lý, tổ chức đến thực hiện đổi mới về sản phẩm dịch vụ, cung ứng. Đây có thể là một trong những “nỗi lo” của nhiều doanh nghiệp vì họ không biết phải bắt đầu từ đâu và thực hiện đổi mới ra sao, nhưng nếu muốn tồn tại trong bối cảnh xã hội hậu covid đầy biến động, đổi mới sáng tạo chính là chiếc “chìa khóa” giúp doanh nghiệp tạo điểm sáng trên thương trường.
Việc đẩy mạnh đổi mới sản phẩm, và dịch vụ cung ứng cũng vô cùng quan trọng vì nó sẽ giúp doanh nghiệp thể hiện rõ rệt nhất quá trình thay đổi của chính doanh nghiệp đó thông qua sản phẩm được đưa đến tay người tiêu dùng. Với 2 chiến lược đổi mới trong sản phẩm dưới đây có thể sẽ là những động lực thôi thúc những ý tưởng đột phá trong bạn.
1. Uniben “nâng chuẩn vị” mì 3 miền với nước cốt ngon chuẩn mốt
Với 30 năm tồn tại trên thị trường, tập đoàn Uniben có thể được coi là một trong những “ông lớn” thuộc ngành hàng thực phẩm ăn liền, với 3 thương hiệu tiên phong nổi tiếng là Mì 3 miền, Reeva và JOCO.
Dựa theo nguyên tắc mô hình Marketing 4Ps (Price – Promotion – Product – Place), mỗi chữ P đều có vai trò quan trọng và đóng góp tạo nên sự thành công nhất định của doanh nghiệp trong mỗi chiến lược kinh doanh, nhưng theo ông Nguyễn Thế Anh – Phó TGĐ Uniben nhận định rằng yếu tố “Product” chính là thứ tiên quyết và cốt lõi ảnh hưởng đến sự thành công của doanh nghiệp. Chính vì vậy, ông nhấn mạnh ưu tiên đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong sản phẩm của Uniben, cụ thể ở đây là mì 3 miền.
Với mục tiêu hướng đến nhóm khách hàng trong nước, và phân phối rộng rãi ở khu vực các tỉnh nông thôn, mì 3 miền thực hiện đổi mới trong sản phẩm bằng cách ra mắt “Mì 3 Miền GOLD” đi cùng đó là gói nước cốt đậm đà với các vị Tôm chua cay đặc biệt, Bò hầm rau thơm, Tôm chua cay Thái, và gần đây nhất thương hiệu này đã cho ra mắt thêm gói “nước cốt đậm đà thêm chất thịt” với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên tươi ngon như thịt tươi, xương ống, rau củ quả hầm nhiều giờ nhằm gia tăng giá trị dinh dưỡng trong mỗi gói nước cốt, tăng sự kích thích khẩu vị cho người tiêu dùng. Cùng với câu tagline “Mì 3 miền nước cốt – ngon chuẩn mốt” đã tạo sự thành công trong chiến dịch truyền thông của doanh nghiệp, giúp tăng độ phủ sóng của sản phẩm trên thị trường.
Câu tagline “Mì 3 miền nước cốt – ngon chuẩn mốt” đã tạo sự thành công trong chiến dịch truyền thông của doanh nghiệp. Ảnh: sưu tầm
Nhờ thực hiện chiến lược đổi mới sáng tạo, với phương châm của ông Nguyễn Thế Anh đề cao tinh thần sáng tạo vì lợi ích toàn diện, đã giúp mì 3 miền nói riêng, và Uniben nói chung đứng vững được trên thị trường, và tạo được tiếng vang lớn, mang đến hình ảnh một gói mì ăn liền đậm đà, chuẩn vị, đáp ứng được khẩu vị người tiêu dùng, thay vì hương vị mì gói truyền thống, định hình một khái niệm mới: Mì ngon phải có nước cốt.
Kết quả cho quá trình nỗ lực đổi mới sáng tạo không ngừng ấy chính là vào tháng 7/2022 Mì 3 miền được vinh danh Thương hiệu được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất tại khu vực nông thôn 5 năm liên tiếp giai đoạn từ 2018 đến 2022 (theo Kantar Brand Footprint).
2. IKEA đổi tên hàng loạt sản phẩm – “liệu pháp chữa lành” những bế tắc trong cuộc sống người tiêu dùng.
Có thể nói, google chính là chiếc “cẩm nang” có thể gỡ rối và xoa dịu những bế tắc trong cuộc sống của con người. Khi người ta gặp phải những điều nan giải trong cuộc sống, họ sẽ thường tìm đến “liệu pháp chữa lành” từ google, ví dụ như câu trả lời cho vấn đề “Làm thế nào khi chồng tôi hay ngủ gục trên ghế?”, hay giải pháp để ngăn chặn việc “Chị tôi hay lấy đồ của tôi”. Nắm bắt được những insight này của khách hàng, cũng như xu hướng người tiêu dùng sẽ lên google tìm kiếm những giải pháp, IKEA – tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới của Thụy Điển, đã thực hiện đổi tên hàng loạt những sản phẩm trước đây trên website của mình và đặt tên cho chiến dịch sáng tạo này là “Retail Therapy” – Liệu pháp bán lẻ.
Một số ví dụ cụ thể cho chiến dịch này của IKEA như là, chiếc ghế không tựa với tên nguyên bản là “Frosta” đã được đổi thành “My husband falls asleep on couch”, biến sản phẩm trở thành một giải pháp trị liệu chứng ngủ gục mỗi khi người tiêu dùng tìm kiếm câu trả lời trên google, hay là chiếc tủ nhỏ có ổ khóa với tên nguyên gốc là “Gunnern” đã được đổi thành “My sister steals my stuff” chính là câu trả lời cho bế tắc của những cá nhân đang gặp phải vấn đề “Chị tôi hay lấy đồ của tôi”.
Chiếc ghế không tựa có tên “Frosta” được đổi tên thành “My husband falls aslepp on couch”. Ảnh: sưu tầm
Chiếc tủ có tên “Gunnern” được đổi thành “My sister steals my stuff”. Ảnh: sưu tầm
Có thể thấy, đây là một trong những pha đổi mới sáng tạo tưởng đơn giản, nhưng lại mang đến một kết quả ấn tượng, việc nắm bắt được rõ ràng insight của người dùng Internet, đã giúp sản phẩm của IKEA trở thành “liệu pháp chữa lành” hàng đầu trên google, đồng thời thông qua chiến dịch này IKEA đã ngầm khẳng định vai trò của doanh nghiệp “IKEA có thể giúp bạn giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống”.
Với ý tưởng sáng tạo độc đáo, khéo léo kết nối giữa khách hàng và thương hiệu, “Retail Therapy” đã giúp IKEA đạt được 175 tỷ lượt hiển thị trên các phương tiện truyền thông xã hội toàn cầu, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), tăng xếp hạng tìm kiếm cho sản phẩm của thương hiệu.
Với 2 chiến lược thật sự ấn tượng từ những doanh nghiệp bên trên đã khẳng định được vai trò của đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, những ý tưởng đột phá có thể được coi như một bàn đạp vững chắc giúp doanh nghiệp vươn lên vị trí hàng đầu trên thị trường, cùng với những doanh thu và thành tích ấn tượng thông qua những con số biết nói. Trong một xã hội đầy biến động như hiện nay, việc đổi mới là điều hết sức quan trọng, không những tạo sự thu hút đối với khách hàng mà còn là cơ hội để doanh nghiệp “thay mình” sau những năm dịch bệnh đầy ảm đạm. Thấu hiểu được vai trò cần thiết của đổi mới sáng tạo, chương trình MBA-MCI luôn ưu tiên đào tạo và rèn luyện cho học viên những tư duy và kỹ năng cần thiết để trở thành nhà quản trị sáng tạo thông qua những kiến thức luôn được phổ cập hằng năm và những case study trong thực tiễn doanh nghiệp, từ đó giúp người học được trang bị tốt những kiến thức nền tảng chuẩn bị cho hành trình trở thành nhà quản trị hội tụ toàn diện các yếu tố.
Chương trình thạc sỹ quản trị kinh doanh MBA-MCI là chương trình MBA liên kết giữa Đại học Bách khoa và trường Đại học Khoa học ứng dụng và Nghệ thuật Tây Bắc Thụy Sĩ từ năm 2006 với thế mạnh tiên phong về tư vấn quản trị – đổi mới sáng tạo – khởi nghiệp. Chương trình được giảng dạy 100% bằng Tiếng Anh với đội ngũ giảng viên là giáo sư và các cố vấn doanh nghiệp quốc tế đã có kinh nghiệm lâu năm trong các lĩnh vực trên, trong đó giảng viên nước ngoài là khoảng 65%.
Nguồn: Tổng hợp
_______
⏰ Thời gian khai giang dự kiến: tháng 10/2022
VĂN PHÒNG ĐÀO TẠO QUỐC TẾ (OISP)
🏢 Địa chỉ: Phòng 401, tòa nhà A4, trường ĐH Bách Khoa – TP.HCM, 268 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10.
☎️ SĐT: +84 28 7300 4183 hoặc Hotline: +84 907 693 911
📧 Email: info @mba-mci.edu.vn
🔍 Website: https://mba-mci.edu.vn/