Chúng tôi nghĩ các nhà tư vấn thương hiệu thích nói về những thương hiệu mà mình đã tư vấn thành công hơn là nói về mình. Thế nhưng, chúng tôi thật chưa biết vì sao các anh đều là những nhân sự cấp cao, được ưu ái ở các đơn vị làm việc, mà lại tách ra để cùng nhau lập nên The Pathfinder, xin thổ lộ đôi chút?
Anh Hoàng Trọng: Trong ba anh em, anh Nguyễn Thành lớn nhất, anh đã thực hiện nhiều nghiên cứu thị trường cho Priesland Frico Domo (nay là Cô Gái Hà Lan), làm giám đốc nghiên cứu của AC Nielsen VN, đặc biệt về dược phẩm và hàng tiêu dùng, rồi là giám đốc tiếp thị cho Rohto – Mentholatum Việt Nam trong 9 năm. Anh Thành luôn có những ý tưởng linh hoạt và sáng tạo. Tôi và Tuấn đã gặp nhau cách nay hơn 10 năm khi tham gia tư vấn chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao của Báo Sài Gòn Tiếp Thị, rồi hai anh em gặp anh Thành trong chương trình “20 thương hiệu hạt giống” của TP.HCM. Sau chương trình đó, anh em ngồi với nhau tính chuyện làm dịch vụ tư vấn thương hiệu. Riêng tôi có kinh nghiệm về nghiên cứu thị trường nên phụ trách chính mảng này, song song đi dạy ở trường Đại học Kinh tế TP. HCM. Khi học xong đại học, mình đâu có nghĩ sẽ đi dạy. Nhờ làm nghiên cứu thị trường cho các công ty nên có thêm thu nhập kha khá nhưng quan trọng hơn là “ôm” được một khối kinh nghiệm. Từ đó, tôi làm một số dự án khác, nhưng do không có pháp nhân nên khó hợp tác với các công ty, vì thế mà tôi lập Công ty Nghiên cứu thị trường Hoàng Khoa từ năm 2001, Công ty Hoàng Khoa không mở rộng lắm vì mình “đi hai chân”, vừa dạy học, vừa đi làm.

Quả thật, nghề chọn người chứ chẳng phài người chọn nghề, càng làm càng thấy thích thú. Điểm chung giữa ba anh em tôi là mê nghề tư vấn và nghiên cứu thị trường, không hài lòng với những gì cứ lặp đi, lặp lại, nghĩ đến cái mới liên tục bởi muốn tư vấn phải nghiên cứu, mà nghiên cứu đủ mọi lĩnh vực thì làm giàu kiến thức của mình nhiều lắm. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực nhưng đầu tư cho thương hiệu còn hạn chế. Khi chọn nghề tư vấn thương hiệu, chúng tôi xác định mình phải là nơi tin cậy để khi lúng túng trong chiến lược thương hiệu, doanh nghiệp có thể tìm mình để có được sự hỗ trợ kịp thời.

Anh Trần Anh Tuấn: Ba anh em thường nói với nhau tư vấn là nghiệp của mình, nhưng đúng ra là niềm đam mê. Bản thân tôi đã 18 năm cũng làm toàn việc liên quan tư vấn trong các công ty quốc tế. Học kỹ sư hóa, sau đó cao học hóa, nhưng làm đúng nghề này có 1 năm thôi, sau đó đi học quản trị, làm việc cho nhiều công ty nước ngoài trước khi vào Thương vụ Úc trực thuộc Thương mại Úc 8 năm, tôi quyết định rời bỏ với ước muốn đem nghề tư vấn đã được đào tạo và thực hành chuyên nghiệp để phục vụ doanh nghiệp Việt Nam. Tư vấn thương hiệu, về bản chất là làm tăng giá trị doanh nghiệp. Nói nôm na thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam giống như những viên ngọc sáng nhưng chưa lấp lánh, chúng tôi muốn làm cho những viên ngọc lấp lánh hơn. Vốn của chúng tôi là kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và mối quan hệ. Người tư vấn hiểu biết rộng nhưng cũng cần có chuyên môn sâu trong lĩnh vực chuyên môn tư vấn. Nghề tư vấn ở Việt Nam hiện chưa có cơ sở đào tạo riêng nên hầu như mọi người phải tự đào tạo và dựa vào kinh nghiệm làm việc. Chúng tôi đọc sách rất nhiều, kiến thức mình có phải đi trước thị trường thì mới có thể cập nhật thông tin cho doanh nghiệp. Trước đây, khi làm cho Thương vụ Úc, ngoài vị trí phát triển kinh doanh, tôi còn có chức danh giám đốc tri thức (knowledge manager), nghe hơi lạ, nhưng đó là nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu và thiết lập môi trường để khuyến khích mọi người chia sẻ tri thức với nhau. Điều hay mà tôi học được từ người Úc là cách tiếp thị thông minh và tinh thần chia sẻ thông tin trong cộng đồng rất cao.

Các chuyên gia kinh tế thường khuyên doanh nghiệp muốn làm ăn trong thời hội nhập nên quan tâm tìm tư vấn trong các hoạt động. Phải chăng đã đến thời của các nhà tư vấn,  Các anh có nghĩ thế?

Anh Hoàng Trọng: Nói làm tư vấn kiếm rất nhiều tiền thì không đúng, mặc dù thu nhập không kém, nhưng được làm điều mình thích. Vì sao tôi “đi hai chân”: làm thầy giáo, làm tư vấn? thấy sinh viên thiếu kiến thức thực tế, mình tham gia làm thực tế, có kinh nghiệm và vỡ ra nhiều điều, có những cái tưởng mình hiểu nhưng quả thật khôn ghiểu gì hết, phải làm một thời gian mới biết. Từ đó tôi giảng dạy lại cho sinh viên về kinh doanh, tiếp thị, nghiên cứu và phân tích thị trường. Mình tự thấy phải có trách nhiệm chứ không ai ép buộc phải truyền đạt. Thời mình học thiệt thòi vì không có những kiến thức thực tế, cũng không trách thầy cô vì bối cảnh lúc đó không có những nguồn thông tin phong phú hay nhiều phương tiện tiếp cận thực tế như bây giờ. Còn nghề tư vấn có thời hay không còn phụ thuộc vào bản lĩnh của nhà tư vấn và nhận thức doanh nghiệp.

Anh Trần Anh Tuấn: Chúng tôi rất vui khi truyền cho ban lãnh đạo các doanh nghiệp tinh thần và phương thức xây dựng thương hiệu mạnh mẽ hơn. Có khách hàng là doanh nghiệp ngành dệt may từ chuyên gia công xuất khẩu, đã xây dựng hẳn một xí nghiệp sản xuất hàng thời trang trong nước với mức độ cam kết cao đầu tư thương hiệu riêng phục vụ người tiêu dùng, Hay như nhà sản xuất mì Omachi đã dám chi số tiền khá lớn để nghiên cứu thị trường, thường xuyên thử nghiệm ý tưởng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho họ với thành công vượt bậc. Khi ý tưởng của mình và khách hàng gặp nhau, có thể dẫn đến thành công nhanh hơn, như trường hợp thương hiệu San Sciaro của Việt Tiến. Các doanh nghiệp Việt Nam rất khó đưa hàng hóa của mình vào các trung tâm thương mại lớn, nhưng San Sciaro với định vị thương hiệu cao cấp đã được chấp nhận đứng chung với các thương hiệu nước ngoài tại Saigon Paragon sắp khai trương. Nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam chưa quen đầu tư đúng mức cho thương hiệu, cần có thời gian quá độ chuyển đổi ý thức và cách đầu tư của họ.

Khi tiếp cận với các DN các anh thấy điều gì khó nhất?

Anh Trần Anh Tuấn: Nghề tư vấn thương hiệu như chúng ta điều hạnh phúc đầu tiên là làm việc và có được sự cam kết, ủng hộ của người có vị trí cao nhất trong doanh nghiệp. Trong lần gặp gỡ đầu tiên lúc nào cũng phải nghe doanh nhân kể chuyện của doanh nghiệp, nôm na như bác sĩ thăm bệnh cần phải nghe cần phải nghe triệu chứng để chẩn đoán cho đúng; tiếp đó, đưa ra các giả thiết, lập sơ đồ giải quyết vấn đề, từ đó đưa ra yêu cầu cung cấp dịch vụ phù hợp nhất. Điều không dễ ở chỗ định ra bệnh và cho toa đúng. Một mặt mình đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề theo tiêu chuẩn quốc tế, mặt khác phải đánh giá năng lực doanh nghiệp phù hợp hay không với giải pháp đề xuất. Nhà tư vấn cũng như người thợ may, phải đo sao cho chiếc áo vừa nhất với doanh nghiệp, với chi phí đáng tiền nhất.

Doanh nghiệp có dễ nói tất cả những cái dỡ, yếu của họ để nhà tư vấn chẩn đoán.

Anh Trần Anh Tuấn: Đúng là ban đầu không ai nói hết bệnh hay yêu cầu khám bệnh, nhưng khi đã tin tưởng, ban giám đốc sẽ từ từ thổ lộ. Như một trận bóng đá, họ bày quân ra rất nhiều, chẳng hạn với nhiều thương hiệu nhánh khác nhau, mình là người giúp sắp xếp lại đội ngũ để đạt thế chiến thắng cao nhất.

Anh Hoàng Trọng: Ở Việt Nam làm tư vấn khó hơn nước ngoài vì mọi người chưa quen. Người ta mua những gì cầm, nắm, sờ mó được, chứ mua dịch vụ tư vấn nghe quá trừu tượng. Chúng tôi mừng khi gặp được người chủ doanh nghiệp quan tâm từng chi tiết và hợp tác tốt. Muốn chẩn đoán đúng bệnh thương hiệu của doanh nghiệp, chúng tôi phải nghe từ ban giám đốc, xuống nhân viên, cả trực tiếp từ Khách hàng. Nhà tư vấn đúng nghĩa phải là người trung tín, không chịu bất kỳ áp lực nào từ ban giám đốc vì tôi làm với mục tiêu chính là mang lại kết quả tốt nhất cho doanh nghiệp. Nếu làm tư vấn để thỏa mãn ý định một cá nhân nào đó của doanh nghiệp thì chúng tôi có thể không làm

Xem ra công việc của các anh khá phức tạp.

Anh Trần Anh Tuấn: Làm nghề này đòi hỏi kỹ năng, kiến thức tương đối rộng. Như tôi làm thương hiệu phải học cả thiết kế, mỹ thuật để khi thuyết phục doanh nghiệp về một logo hay hệ thống nhận diện thì phải giải thích tại sao dùng màu sắc hay thiết kế đó. Còn phải biết quản trị chiến lược, nhân sự, giao tiếp, tâm lý…Vì sao phải học nhiều như vậy? có nhiều giám đốc doanh nghiệp lớn tuổi, họ không dễ chấp nhận lời khuyên từ những người trẻ tuổi hơn. Có giám đốc doanh nghiệp cởi mở, nhưng cũng có người dễ nổi nóng, thậm chí có người còn đập bàn trước mặt mình khi họ muốn bác bỏ một luận điểm nào đó mà mình đưa ra. Lúc đó, mình phải bình tĩnh lắng nghe, hiểu rõ nguyên nhân phản bác rồi từng bước chứng minh, thuyết phục họ rằng giải pháp đề xuất nhằm giúp họ giải quyết vấn đề là tối ưu. Chúng tôi luôn tìm sự đồng điệu và cảm thông từ Khách hàng.

Có khi nào khách hàng yêu cầu đã tư vấn cho họ rồi thì không tư vấn cho doanh nghiệp cùng ngành hàng không?

Anh Hoàng Trọng: Về đạo đức nghề nghiệp, khi hai doanh nghiệp là hai đối thủ đối đầu trực tiếp thì nếu đã nhận làm thương hiệu cho một DN thì không làm thươn ghiệu cho sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp đối thủ của họ. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, mình cũng có thể đề xuất phân khúc nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu không trùng nhau để đạt hiệu quả kinh doanh tốt.

Anh Trần Anh Tuấn: Quan trọng là thái độ thẳng thắn với nhau từ đầu. Chúng tôi đã gặp trường hợp khách hàng biết mình đã xây dựng thương hiệu cho đối thủ của họ nhưng vẫn yêu cầu tư vấn thương hiệu với lý do đã làm tốt cho một doanh nghiệp cùng ngành hàng thì sẽ làm tốt cho họ được. Tuy nhiên, mình phải có những phương án định vị thương hiệu, sản phẩm để tránh cho hai doanh nghiệp trực tiếp đối đầu nhau.

Công việc của các anh gắn với sáng tạo, ý tưởng, có bị sự “ngẫu hứng” chi phối?

Anh Trần Anh Tuấn: Điều này phụ thuộc vào thái độ và cách làm việc của Khách hàng. Khách hàng làm việc nghiêm túc, thúc đẩy tiến trình nhanh, đồng cảm với những ý tưởng của mình thì công việc xúc tiến nhanh. Trong công việc ngoài yếu tố chuyên nghiệp thì hai yếu tố cơ duyên và hứng thú cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu cảm thấy khách hàng không có sự đồng cảm thì khó thành công vì làm cho hứng thú của mình bớt đi. Bởi vậy vấn đề là khách hàng biết họ cần gì và đánh giá vai trò nhà tư vấn như thế nào. Nhiều người bảo đụng đến mấy ông tư vấn thì tốn tiền lắm. Chúng tôi nhìn nhận dịch vụ của mình đáng tiền chứ không phải mắc hay rẻ khi mang lại giá trị tăng thêm cho doanh nghiệp. Việc tư vấn thương hiệu vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật với đầy sự ngẫu hứng và cảm xúc. Có những công việc mình làm chẳng kể tiền bạc, như làm thương hiệu cho thanh long Bình Thuận, chúng tôi biết người thụ hưởng là nông dân nên chấp nhận khoản thù lao khiêm tốn. Hay chương trình “Vườn ươm doanh nghiệp” của Khu công nghệ phần mềm Quang Trung do châu Âu tài trợ nhằm tư vấn cho doanh nghiệp mới khởi sự kinh doanh. Đây là những hoạt động thiết thực mang tính xã hội phù hợp theo ý thích của mình. Với các bạn trẻ mới khởi sự kinh doanh, chúng tôi như lớp đàn anh đi trước hướng dẫn lại cho các em. Trong cuộc sống, không phải mọi thứ đều đo bằng tiền.

Đã tiếp xúc với nhiều dạng doanh nghiệp như nước ngoài, quốc doanh, hợp tác xã, tư nhân, các anh thấy dạng doanh nghiệp nào khó trao đổi công việc nhất?

Anh Trần Anh Tuấn: Hợp tác xã là khó nhất. Tinh thần dân chủ là tốt nhưng nhiều người có ý kiến để rồi không ai quyết định thì mình khó phối hợp. Đôi khi công ty tập trung quyền quyết định vào một người lại dễ làm việc hơn. Công ty nước ngoài hệ thống phân cấp, phân quyền rất rõ thì dẽ làm việc nhất. Nhiều công ty Việt Nam khi thiết kế logo ai cũng muốn có ý kiến, mỗi người lại có một cảm giác khác nhau để thẩm định, rốt cuộc ai là người quyết định thì không rõ. Khi đó chúng tôi phải sử dụng những công cụ chuyên môn để làm trọng tài phân giải vấn đề. Trường hợp nhận xây dựng thương hiệu địa phương thì mình lo lắng nhiều hơn vì trong cách làm, các địa phương nặng về báo cáo thành tích hơn, còn mình thật sự muốn mang đến lợi ích cho cộng đồng.

Làm việc với nhau vì cùng đam mê nghề tư vấn, có sự nhìn nhận như nhau về thương hiệu, chắc không khi nào có sự bất đồng ý kiến giữa các anh?

Anh Hoàng Trọng: Nếu là công việc, mỗi anh em có hệ thống đánh giá hiệu quả riêng phù hợp với năng lực đóng góp của từng người. Mỗi anh em đều vừa làm, vừa tham gia giảng dạy ở trường hoặc các khóa huấn luyện hay đi nói chuyện ở các hội thảo. Có những sở thích anh em không hẳn giống nhau nhưng trong công việc mang tính chuyên nghiệp thì anh em đặt ra những nguyên tắc từ đầu. Khi làm một dự án, một người có ý kiến khác thì lý lẽ phải thuyết phục, sự phản biện lẫn nhau sẽ đưa ra ý kiến tốt nhất để đảm bảo hiệu quả cao nhất cho khách hàng. Những tranh luận thường xoay quanh vấn đề mình đưa ra có phù hợp điều kiện, năng lực khách hàng hay không. Từ công việc, anh em tôi đúc kết được những câu chuyện kinh doanh rất hay, đến lúc nào đó hy vọng sẽ đưa thành những bài họ chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người.

Hiểu nhau trong công việc, còn trong cuộc sống thường ngày, những sở thích về mỹ thuật, giải trí của các anh có như nhau?

Anh Hoàng Trọng: Ba anh em đều thích chụp ảnh, câu cá, nhưng không ai thích nhậu, thậm chí sợ nhậu. Làm việc với khách hàng ở quán cà phê thường nhưng nhậu thì ngán lắm, nhiều khi doanh nghiệp không biết tưởng mình làm khách. Càng ngày mình thấy thời gian càng ít, nhịp sống ngày càng nhanh bắt mình đuổi theo. Anh em đều muốn có nhiều thời gian đọc sách và nghiên cứu, sau đó có điều kiện thì chia sẻ những gì mình biết với mọi người. Một năm tốn không biết bao nhiêu tiền mua sách. Lý tưởng nhất là một tháng có hai ngày không quan tâm gì hết, chỉ để đọc sách. Nói vậy chứ không có đủ thời gian sắp xếp, nhưng có khi khách hàng đột xuất hỏi gì đó thì tra cứu tài liệu, sách vở miệt mài đến 1-2 giờ sáng để có thể trả lời. Thậm chí có những doanh nghiệp không phải là khách hàng, họ cũng điện thoại hỏi mình, khiến cho mình như bị một thách thức phải lo tìm hiểu để trả lời.

Anh Trần Anh Tuấn: Tôi cố gắng mỗi tuần phải đọc xong một cuốn sách. Ngoài ra, phải dành thời gian cho gia đình, đôi khi nghe con trách ba vì công việc chẳng quan tâm đến con, mình thấy có lỗi.

Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có ý thức về xây dựng thương hiệu, chúc cho The Pathfinder sẽ làm cho nhiều viên ngọc tỏa sáng như mong ước.

Anh Hoàng Trọng và Anh Tuấn, Đồng Sáng Lập Công ty TNHH Người Mở Đường (The PATHEFINDER)

Không phải mọi thứ đều đo bằng tiền
Các Ngọc thực hiện

(Theo DNSG)