Năm 2010 khép lại với nhiều vui buồn về tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Những thách thức tác động đến mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp năm qua bao gồm: lạm phát, lãi suất, tỉ giá, biến động về nguồn nguyên liệu và thách thức về nhân lực. Song tín hiệu sáng sủa hơn của bức tranh kinh tế là một bộ phận doanh nghiệp đã vượt bão thành công trong năm 2010 để đạt được kế hoạch kinh doanh đề ra, thậm chí vượt trội. Tuy nhiên, tăng trưởng năm 2011 có thể sẽ không như kỳ vọng do những khó khăn trong việc tìm nguồn vốn.
Các công ty tăng trưởng khá khả quan năm 2010 được Nhịp Cầu Đầu Tư giới thiệu trong chuyên đề kỳ này có thể chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là các công ty lớn, đạt doanh thu gần 20.000 tỉ đồng như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), FPT với mức tăng trưởng từ 30-50%. Nhóm thứ 2 là các công ty có doanh thu dưới 10.000 tỉ đồng có tốc độ tăng trưởng khá khiêm tốn như Vissan, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang.
Vượt bão 2010
Doanh thu của Vinamilk ước đạt gần 15.000 tỉ đồng trong năm 2010, tăng gần 50% so với năm 2009. Đây là con số tăng trưởng mơ ước của bất kỳ doanh nghiệp nào, nhất là khi 2010 được xem là năm có nhiều bất ổn về kinh tế vĩ mô. Giá nguyên vật liệu sữa nhập khẩu của Vinamilk đã tăng 20% so với năm 2009 trong khi giá bán các loại sản phẩm của công ty này trung bình tăng chưa đến 4%. Tuy nhiên, nhờ chủ động hơn về nguồn nguyên liệu, Vinamilk đã giảm được chi phí đầu vào, từ đó không phải tăng mạnh giá bán.
Chẳng hạn, trong năm 2010, Công ty đã nhập thêm bò từ New Zealand và Úc về nuôi tại trang trại ở Nghệ An. Ngoài ra, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, Công ty đã phát triển đàn bò tại các trang trại lớn ở Tuyên Quang, Lâm Đồng, Bình Định, Nghệ An và Thanh Hóa.
Điều đáng chú ý là Vinamilk đã hưởng lợi từ vị thế dẫn đầu trên thị trường sữa (các sản phẩm từ sữa của Công ty chiếm hơn 75% thị phần). Vì thế, mặc dù tình hình kinh tế của người dân khá khó khăn, nhưng sức tiêu thụ sản phẩm sữa Vinamilk vẫn cao. Có thể thấy, để đáp ứng nhu cầu, từ đầu năm 2010, các nhà máy của Vinamilk đều đã phải tăng công suất trên 70% so với năm 2009.
Nằm trong số ít công ty Việt Nam đang trên đường tiến đến doanh thu 1 tỉ USD là FPT. Tập đoàn này đã đạt mức tăng trưởng doanh thu khá lạc quan với 33% (khoảng 19.000 tỉ đồng trong năm 2010).
Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ mảng công nghệ thông tin, vốn là hoạt động cốt lõi của Tập đoàn. Chẳng hạn, Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) đã triển khai nhiều dự án có giá trị hàng triệu USD với những khách hàng nước ngoài.
Không chỉ Vinamilk, FPT, trong năm qua, những công ty có mức doanh thu dưới 10.000 tỉ đồng cũng đã xoay xở khá tốt. Công ty Thực phẩm Vissan đã đạt doanh thu 3.270 tỉ đồng trong năm 2010, tăng 9% so với năm trước đó. Đây là con số khá ấn tượng nếu xét mức tăng trưởng chỉ 2% của năm 2009.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết, Công ty đã tiến hành tái cấu trúc chiến lược kinh doanh suốt năm 2010. Nếu trước đó, Vissan chủ yếu sản xuất theo nhu cầu của thị trường thì năm vừa qua, Công ty đã chủ động hơn trong việc giới thiệu sản phẩm mới. Chỉ tính riêng năm 2010, Vissan đã tung ra đến 14 sản phẩm. Bên cạnh đó, Công ty cũng tiếp tục xây dựng chuỗi cửa hàng thực phẩm với hơn 1.000 đại lý trên khắp cả nước.
Trong khi đó, Điện Quang, tuy có mức tăng trưởng doanh thu 18% so với năm 2009, nhưng chỉ bằng 65% kế hoạch đặt ra cho cả năm (doanh thu thực hiện năm 2010 ước đạt 568 tỉ đồng so với kế hoạch 868 tỉ đồng).
Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận trong năm qua là Điện Quang đã cơ cấu lại thị trường theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu để gia tăng nguồn thu. Thị trường xuất khẩu hiện chiếm đến 40% doanh thu của Công ty. Ông Nguyễn Bắc Sơn, Giám đốc Marketing của Điện Quang, cho biết, sản lượng xuất khẩu của Công ty tăng bình quân 30% mỗi năm và đến nay, sản phẩm đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới như châu Âu, Trung và Nam Mỹ, châu Á.
Trên thị trường bóng đèn trong nước, Điện Quang đang chiếm vị thế lớn với 60% thị phần. Ông Sơn cho biết, Công ty đang tập trung phát triển dòng sản phẩm đèn compact tiết kiệm điện năng, vốn đóng góp 30% tổng doanh thu 2010 của Công ty. Con số này dự kiến sẽ là 50% trong năm 2011.
Trong nhóm công ty có doanh thu dưới 10.000 tỉ đồng, cũng có một số doanh nghiệp đã đạt con số tăng trưởng vượt trội như Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2010, doanh thu của PNJ đã đạt khoảng 11.000 tỉ đồng, bằng 110% kế hoạch cả năm, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo tăng trưởng năm 2011
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều bất ổn như lạm phát gia tăng, biến động tỉ giá, lãi suất, các doanh nghiệp nghĩ gì về triển vọng kinh doanh của năm 2011? Theo khảo sát mới đây của Grant Thornton Việt Nam, 62% số doanh nghiệp tại Việt Nam cảm thấy lạc quan về nền kinh tế nước nhà trong năm 2011, so với trung bình toàn cầu là 23%.
Chính phủ cũng tỏ ra lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2011. Mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự đoán, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2011 có thể đạt 7-7,5% so với mức 6,78% của năm 2010. Và như thế, khối doanh nghiệp tư nhân, vốn đóng góp gần 50% GDP, sẽ phải rất nỗ lực trong năm 2011.
Vinamilk đã đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng doanh thu 24% so với năm 2011. Biết rằng vấn đề tăng trưởng cốt lõi nằm ở việc chủ động nguồn nguyên liệu, Vinamilk đang triển khai hàng loạt các dự án đầu tư nhà máy và nguồn nguyên liệu nhằm tăng gấp đôi công suất từ năm 2011.
Công ty dự kiến sẽ nâng số lượng bò từ mức 5.500 con hiện tại lên tới 10.000 con trong thời gian sắp tới. Mới đây, Vinamilk cũng đã mua 19,3% cổ phần của Miraka Limited, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các sản phẩm sữa chất lượng cao tại New Zealand. Công ty cũng đang xem xét tăng vốn đầu tư vào Miraka để cùng xây dựng nhà máy có công suất thiết kế 32.000 tấn bột sữa mỗi năm.
Mục tiêu của Vinamilk là tự túc được 50% nguyên liệu sữa tươi từ các trang trại, thay thế dần nguyên liệu nhập khẩu.
Trong khi đó, Điện Quang tiếp tục kỳ vọng nhiều từ thị trường xuất khẩu trong năm 2011. Với mục tiêu doanh thu năm nay tăng 30% so với năm trước, ông Hồ Quỳnh Hưng, Tổng Giám đốc Điện Quang, cho biết, Công ty đang đầu tư dự án liên doanh khu liên hợp sản xuất các sản phẩm chiếu sáng tiết kiệm điện năng tại Venezuela, chính thức đi vào hoạt động trong năm 2011. Đây là dự án đầu tư về công nghệ ra nước ngoài đầu tiên của doanh nghiệp ngành đèn chiếu sáng của Việt Nam.
Trong khi đó, ông Mười cho biết, Vissan đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu khiêm tốn 7% cho năm 2011. Công ty đã lên kế hoạch đầu tư nhiều dự án như mở rộng xưởng chế biến, siêu thị mini, đặc biệt là dự án liên kết phát triển các vùng chăn nuôi heo chất lượng cao.
Câu chuyện nguồn vốn cho tăng trưởng
Để thực hiện các kế hoạch tăng trưởng trên, các doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn vốn, trong khi đây là điều không dễ thực hiện trong bối cảnh lãi suất đang ở mức cao. Những doanh nghiệp niêm yết sẽ cảm thấy ít áp lực hơn với việc vay ngân hàng. Một phần là vì họ còn có sự lựa chọn ở kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Chuyên đề kỳ trước “Huy động vốn qua thị trường chứng khoán: Cửa vẫn mở” của NCĐT (số ra ngày 3.1.2011) cũng chỉ ra một thực tế rằng, năm 2010, các doanh nghiệp đã thu hút được gần 47.000 tỉ đồng qua kênh chứng khoán, tăng gần gấp 4 lần so với năm 2009. Điều này cho thấy, kênh chứng khoán không phải hoàn toàn khép kín như nhiều người vẫn nghĩ.
Tuy nhiên, đối với nhóm doanh nghiệp cổ phần tư nhân, việc tìm vốn sẽ rất khó khăn vì họ không có nhiều lựa chọn như doanh nghiệp niêm yết. Cho dù họ có gõ cửa các ngân hàng thì cũng không dễ vay được. Bởi lẽ, Chính phủ đã có chủ trương siết chặt tín dụng, tập trung vào chất lượng cho vay hơn là con số tăng trưởng. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 23% trong năm 2011 so với 25% của năm 2010. Nguồn vốn hạn chế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm nay của các doanh nghiệp.
Tổng Giám đốc một công ty xây dựng và tư vấn thiết kế tại TP.HCM (không muốn nêu tên) cho biết, một số doanh nghiệp, trong đó có công ty ông sẽ phải chọn biện pháp “phòng ngự” với mức tăng trưởng có thể thấp hơn dưới 10% và đang cố gắng tìm kiếm các doanh nghiệp bạn để liên kết chiến lược toàn diện. Ông cũng chia sẻ, ngay cả những doanh nghiệp lớn cùng ngành cũng chỉ dám lên kế hoạch tăng trưởng không vượt quá 20%.
Dự báo về diễn biến lãi suất năm nay, ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho rằng, lãi suất cho vay thỏa thuận có thể sẽ giảm sau Tết Nguyên đán, khi lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, để kéo lãi suất giảm xuống, vấn đề tỉ giá cần phải được giải quyết. Bởi lẽ, thời gian qua, lãi suất tăng cao một phần là do tác động tiêu cực từ việc tỉ giá tăng.
Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì đưa ra hàng loạt những rào cản cho mức tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm sắp tới. Đó là giá điện tiếp tục tăng; giá xăng dầu không phải không có nguy cơ tăng sau Tết (mặc dù hiện nay vẫn đang được xem là bình ổn); cuộc đua lãi suất từ các ngân hàng vẫn diễn ra âm ỉ và chế độ 2 tỉ giá khiến doanh nghiệp làm ra một đồng USD sẽ bị mất 2.000 đồng Việt Nam.
MBA-MCI Program