Tiểu sử của bà Marie Curie, do con gái bà viết, đã mô tả cuộc đấu tranh trường kỳ để tìm ra radium. Sau khi Marie cùng chồng là Pierre xác tín rằng radium có tồn tại, họ đã vất vả trong hơn bốn năm ròng mày mò trong chiếc lán làm phòng thí nghiệm – những năm tháng đầy ưu tư và thất vọng cay đắng – để nỗ lực tách radium nguyên chất. Với một sự kiên trì khủng khiếp, họ xử lý hàng tấn quặng urani thô, hết ký này sang ký khác, vì đoan chắc là nó có chứa radium. Hết thí nghiệm này đến thí nghiệm khác đều thất bại. Trong một phiên bản điện ảnh, sau hơn bốn mươi tám thí nghiệm không thành, chồng bà lộ vẻ tuyệt vọng. “Không làm được đâu”, ông than thở, “chuyện này không thể được rồi! Có lẽ một trăm năm nữa mới làm xong, mà chúng ta đâu có sống lâu đến thế”. Bà Curie là người cương nghị. “Nếu phải mất cả trăm năm thì thật tiếc”, bà đáp lời chồng, “nhưng em dám làm chuyện đó chứ không gì khác chừng nào em còn sống”.
Sau khi Marie cùng chồng là Pierre xác tín rằng radium có tồn tại, họ đã vất vả trong hơn bốn năm ròng mày mò trong chiếc lán làm phòng thí nghiệm – những năm tháng đầy ưu tư và thất vọng cay đắng – để nỗ lực tách radium nguyên chất
Trước một ý thức về mục đích như vậy, huyền thoại xung quanh radium cuối cùng cũng tỏ lộ vào một buổi tối mà bà luôn nhớ đến như là một buổi tối nhiệm mầu. Trước đó bà đã dành cả buổi để chăm sóc đứa con bị ốm. Cuối cùng khi đứa con út cũng đã ngủ, bà nói với chồng: “Sang bên đó một chút nhé anh?”. Có chút khẩn khoản trong giọng nói – hơi thừa, vì Pierre cũng hăm hở như bà mà. Tay nắm tay, họ tới chiếc lán thí nghiệm. “Đừng thắp đèn”, bà bảo Pierre khi ông đang mở cửa. Rồi bà cười khẽ và tiếp lời: “Anh có nhớ cái ngày anh nói với em: ’Anh nghĩ rằng radium có màu sắc rực rỡ’ không?”. Họ bước vào phòng và thấy một ánh sáng xanh đẹp không tả xiết phát quang trong bóng tối. Không thốt nên lời, họ nhìn nơi phát ra thứ ánh sáng mờ mờ, le lói, huyền ảo đó: radium, là radium của họ, phần thưởng cho sự lao động kiên trì và quyết tâm của họ.