Bên Tàu có hai quân sư nổi tiếng, ai đọc huyền sử Trung Quốc đều biết đó là Tôn Vũ và Khổng Minh. Hai quân sư có cách hành xử khác biệt.

Truyện Tam Quốc mô tả việc Lưu Bị phải ba lần đến mời, Khổng Minh mới chấp nhận về làm quân sư. Qua câu chuyện này, nhiều người ca ngợi Lưu Bị là người biết tôn sư trọng đạo, chiêu mộ nhân tài. Và câu chuyện cũng góp phần tô điểm cho tài danh của Khổng Minh, hẳn là người tài năng lỗi lạc mới được chiếu cố đặc biệt như thế.

Ngoài ra, theo dõi những chiến công của Lưu Bị sau khi có Khổng Minh về giúp thì rõ ràng việc cầu hiền tài của Lưu Bị không phí chút nào. Khổng Minh đã phục vụ Lưu Bị cho đến lúc tàn hơi.

Còn Tôn Vũ, sống vào thời Xuân Thu chiến quốc lại có ứng xử hoàn toàn khác Khổng Minh. Ông nhận lời về giúp cho nhà Ngô ngay sau khi Ngũ Viên thay vua Ngô đến mời. Về kinh thành không bao lâu Tôn Vũ đã ra lệnh chém hai ái vương của vua Ngô vì họ không chấp hành quân lệnh. Chinh phục nước Sở mang về cho nhà Ngô xong lại xin từ quan về quê ẩn dật. Vàng bạc vua Ngô tặng, ông đem phát hết cho dân nghèo rồi biệt tích trên chốn giang hồ.

Tôn Vũ ra đi để lại 10 sách lược quân sự (xem bảng bên dưới) mà ngày nay áp dụng vẫn rất phù hợp trong kinh doanh để đối phó với chuyện cạnh tranh trên thương trường.

Vì sao Tôn Vũ lại nhanh chóng nhận lời làm tướng cho vua Ngô? Nếu quan sát cách hành xử của ông sau khi thắng quân Sở ta có thể đoán, tham gia quan trường là cơ hội để Tôn Vũ áp dụng lý thuyết quân sự của mình. Khi đã ứng dụng thành công, ông không có lý do gì để nấn ná ở chốn quan trường hưởng lộc. Vì thế, ông đã ra đi.

Nhắc chuyện xưa Tôn Vũ để kể chuyện nay. Tôi mới gặp một người quen, học trước tôi một năm tại một trường đại học ở Mỹ. Anh đã từ bỏ chức giám đốc một công ty ở Hà Nội để vào TPHCM dạy học. Anh nói công việc của mình đã qua 10 năm, tất cả đã trở nên quen thuộc. “Mỗi sáng mình đến cơ quan, chiều lại về. Đầu óc không có gì phải suy nghĩ. Mình có cảm giác như đang sử dụng uy tín, kinh nghiệm để hưởng lợi của tổ chức. Mình phải ra đi để tổ chức có thay đổi và bản thân mình cũng thay đổi”, anh giải thích.

Anh đã học các sách lược kinh doanh từ một trường nổi tiếng ở Mỹ. Về nước, anh đem sở học của mình ứng dụng thành công trong quản trị một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế. Sau 10 năm, anh lại đi trên con đường mới. Tôi không dám so sánh anh với bậc vĩ nhân như Tôn Vũ, nhưng ước gì ở nước ta có những cán bộ quản lý đầy sĩ khí, mạnh mẽ trong cách nghĩ cách làm như thế để thế hệ trẻ hơn có thêm cơ hội thử thách chính mình!

10 nguyên tắc của Tôn Vũ ứng dụng trong kinh doanh

1. Thủ lợi: Lấy lợi để thúc đẩy nhân viên làm việc. Lấy lợi để chinh phục đối thủ cạnh tranh.

2. Kế hoạch: Phải có kế hoạch chu đáo, bí mật cả trong ngắn hạn và dài hạn.

3. Tiên liệu: Phải thu thập và phân tích thông tin để dự đoán chiêu thức kinh doanh của đối thủ cạnh tranh và có kế hoạch đối phó.

4. Thần tốc: Khi đã tính toán kỹ lưỡng, cần đánh nhanh rút gọn.

5. Tự tin: Giữ vững tinh thần đoàn kết, tự tin và quyết thắng. Không thắng thì hòa chứ không được thua ngược.

6. Bảo mật: Tìm cách không cho đối thủ cạnh tranh biết được năng lực của mình.

7. Chủ động: Nắm thế chủ động, buộc đối thủ cạnh tranh phải chống đỡ theo ý đồ của ta.

8. Bảo toàn: Tránh để mất nhân viên trong mọi tình huống.

9. Tự nhiên: Biết vận dụng các yếu tố thiên thời – địa lợi – nhân hòa một cách hợp lý.

10. Linh hoạt: Biết biến hóa, lúc công, lúc thủ để đối thủ cạnh tranh không biết được thực lực của mình.

Sài Gòn time