Tư vấn quản trị: hôm qua, hôm nay và ngày mai

30/03/2016

Lý Trường Chiến

Chuyên gia kinh tế, Chuyên tư vấn về tái cấu trúc và quản trị chiến lược Chủ tịch Tri Tri Group Phó Viện trưởng Viện quản trị chiến lược & marketing SMI Thành Viên ICMC

 IMG 8077

Ông Lý Trường Chiến trình bày tại Diễn đàn Tư vấn Quản trị 2013 của chương trình MBA-MCI

Những năm gần đây, nghề tư vấn quản trị ngày càng được chú trọng, đây là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế dù đang nhiều khó khăn nhưng ngày càng đi vào chuyên nghiệp, hướng tới năng suất cao hơn cho sự nghiệp kinh doanh hiệu quả và vững bền hơn. Qua gần 25 năm làm việc từ trực tiếp (thực hiện), đến gián tiếp (quản lý) và làm công tác tư vấn, huấn luyện về quản trị chiến lược, tái cấu trúc, phát triển chức năng,… cho nhiều loại hình công ty từ MNC đến SME trong nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục, y tế,… tăng trưởng và phát triển tốt tại Việt nam và cả ra thị trường khu vực và quốc tế, với khao khát được chia sẻ, lắng nghe, học hỏi, thực hành và hỗ trợ nhau cùng phát triển, xin có vài ý kiến mạn đàm về một nghề đang phát triển nhưng cũng lắm gian truân này.

 

Tư vấn hôm qua

10 hay 15 năm về trước, ở Việt Nam, khái niệm tư vấn còn rất xa lạ. Do vậy, việc một thân chủ nhờ tư vấn rồi không thanh toán phí hay ngược lại một vài người ngộ nhận những việc trao đổi thông tin, nói chuyện cùng nhau là nội dung tư vấn có tính phí là chuyện xảy ra hàng ngày.

Sở dĩ điều đó xảy ra vì nhà tư vấn chưa chuyên nghiệp, chưa biết kiểm soát thông tin trao đổi ở mức độ nào, chưa có các hợp đồng hay hình thức thỏa thuận phù hợp với thân chủ và người cần nhờ tư vấn cũng không biết gì về công tác tư vấn cũng như trách nhiệm của mình.

Một cách nôm na, bắt đầu có thể hiểu nhà tư vấn như một bác sĩ ở giai đoạn khám bệnh. Bác sĩ cần hỏi bệnh nhân để có các thông tin, tiểu sử và ra các xét nghiệm phù hợp để xem kết quả, phân tích đối chiếu y văn, theo dõi thực tế, dự liệu bệnh tình, thảo luận cùng bệnh nhân đưa ra phác đồ điều trị và giải thích việc thực hiện phác đồ này với bệnh nhân. Việc điều trị là ở giai đoạn 2, do bệnh nhân chủ động theo phác đồ điều trị và cần tính tuân thủ cao, bác sĩ cần theo dõi sát sao, điều chỉnh kịp thời với mục tiêu không chỉ để bệnh nhân bình phục mà hơn thế nữa khỏe mạnh và không bị bệnh tái phát, cần lưu ý dù bác sĩ giỏi đến đâu thì cũng không thể uống thuốc thay cho người bệnh thì nhà tư vấn dù giỏi đến đâu không nên điều hành thay doanh chủ được!

Trước đây, người ta thường hình dung nhà tư vấn – cố vấn là những người lớn tuổi, “hết thời” mặc dù có năng lực chuyên môn nhất định. Thực ra đây là những người luôn khát khao đóng góp cho xã hội, tuy về hưu nhưng vẫn có nhiều vốn sống, kinh nghiệm hay còn nhiều ảnh hưởng, được những cán bộ thay thế mời làm cố vấn chuyên môn hay quản lý trong thời kỳ đầu chuyển giao và tiếp nhận trọng trách còn nhiều khó khăn. Công việc tư vấn thường rất nhiều từ các vấn đề xã hội đến các câu hỏi chuyên môn hay công tác quản lý, các mối quan hệ,…

Với những người làm tư vấn tự do thì có một văn phòng nhỏ, một tấm bảng be bé hay danh thiếp khiêm tốn. Còn các nhà tư vấn quản trị hay cố vấn lãnh đạo thì chỗ làm việc thoải mái hơn, thường là văn phòng của tổ chức, công ty, khách sạn,… hay tại nhà riêng. Công việc làm chính là trả lời những thắc mắc của người cần tư vấn, hay chủ động gợi ý, khuyến nghị cho thân chủ những điều cần chú ý. Tuy nhiên, ở Việt nam các câu hỏi của doanh chủ thường tập trung và có tính ngắn hạn, khẩn cấp hơn là có tính chiến lược lâu dài, trong khi tư vấn quản trị lại cần có viễn kiến và chuẩn bị từ xa.

Cách nghe tư vấn – tham vấn – lúc này thì thường không được trọng thị lắm vì hoặc người cần tư vấn rơi vào trường hợp khẩn cấp nên thiếu chu đáo hoặc là người đang có thế có thời nhưng do xã giao hay hình thức mà phải tìm 1 nhà tư vấn cho “oai”. Mặt khác, không tránh khỏi một số nhà tư vấn hay ý kiến tư vấn thiếu chiều sâu thực tế, không phù hợp do chỉ dựa vào kinh nghiệm mà thiếu tính luận lý, chỉ sao chép mô hình mà thiếu thông tin cập nhật theo sự phát triển không ngừng của xã hội thiếu hơi thở cuộc sống. Hoặc thậm chí một số còn thiếu đạo đức nghề nghiệp, cho những lời khuyên nửa vời để thân chủ thất bại rồi mới “ra tay” nhằm nâng cao “cái tôi” và sự quan trọng của mình.

Tư vấn hôm nay

Việt Nam ta đang tham gia sâu rộng vào sự liên thông kinh tế thế giới, đặc biệt là sau khi gia nhập WTO và nay xem xét tham gia TPP. Chúng ta đã và đang bỏ lại đằng sau các ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp và đang chuyển đổi mạnh mẽ về nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhìn lại từ khi gia nhập WTO đến nay, không ít người ngậm ngùi vì ta Mất nhiều hơn Được và trong khó khăn kéo dài, đến nay các lời ca than và “đổ thừa” do khách quan ngày càng giảm, người ta bắt đầu ý thức được rằng nguyên nhân chủ quan “Năng lực quản trị yếu kém” là vấn đề cốt tử của nhiều doanh nghiệp nhưng chưa được quan tâm nên đã dẫn dến hàng loạt doanh nghiệp khốn khó, do mất cân đối tài chính, không kiểm soát được dòng tiền, lấy vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn hay đầu tư dài hạn cho những cơ hội ngắn hạn, do kinh doanh đa ngành mất kiểm soát, người ngày càng nhiều mà quàn trị kém dẫn đến năng suất và hiệu quả ngày càng giảm,… do không nhận thức được sự thay đổi của kinh tế, khoa học, công nghệ, chính trị và xã hội,…

Trong quá trình này, những thuận lợi về quyền lực, lợi ích nhóm hay quyền ưu tiên ngày càng lộ ra và thu hẹp và mất dần. Do hệ thống thông tin quản lý và quy hoạch chưa hoàn toàn công khai minh bạch, tốc độ và nội dung thông tin còn hạn chế ở một số đối tượng, vùng miền nên việc nắm bắt nhanh, khai thác cơ hội quyết đoán nằm ở sự nhạy cảm hay vị trí công tác thuận lợi của mỗi cá nhân, thường là những người có tư duy nhạy bén, dám nghĩ dám làm. Nến kinh tế phát triển nhờ cơ hội – quan hệ dần qua đi, để đương đầu với khó khăn và sự sàng lọc của kinh tế thị trường cần kỹ năng quản trị chuyên nghiệp. Ngoài những nhà tư vấn như nêu trên vẫn đã, đang và tiếp tục hoạt động hiệu quả, ngày nay cũng có những nhà tư vấn có thể còn rất trẻ, có điều kiện đầu tư cho việc học và nghiên cứu nhiều nên cũng có những thông tin và kiến thức cần thiết để về quản trị để chia sẻ làm phong phú hơn nguồn cung và cho các doanh chủ, doanh nhân,… các nhà quản trị thêm nhiều sự lựa chọn trong thị trường này.

Trong điều kiện đó, cùng với việc suy thoái kinh tế kéo dài, lạm phát và giảm phát đan xen, tỷ lệ ngừng hoạt động của các doanh nghiệp lên đến #50% và dịch chuyển các doanh nghiệp theo chiều hướng nhỏ dần,… (báo cáo của VCCI tháng 4 năm 2013). Nhu cầu tư vấn và việc phát triển tư vấn chuyên nghiệp ngày càng cao hơn, nghiêm túc hơn, thuận lợi hơn và cũng khắt khe hơn, lúc này khách hàng cần và thực sự trân trọng những ý kiến – kiến thức – phân tích chiều sâu – quý giá – có thể tạo ra giá trị bạc tỷ hay giúp giải quyết lúc ngặt nghèo nếu thân chủ biết sử dụng trí tuệ và lao động quá khứ của người có kinh nghiệm, có vốn sống và năng lực phân tích, dự báo, quản trị rủi ro,… sâu hơn, sắc hơn mình để tạo ra, bảo vệ và phát triển giá trị trong cuốc sống thay đổi nhanh thậm chí nhiều biến động hôm nay. Tuy vậy, nghề tư vấn và người làm tư vấn tại Việt nam vẫn đang trên đường hoàn thiện tính chuyên nghiệp cần có.

Ai – vấn đề gì cần tư vấn?

Trong điều kiện hiện nay của Việt nam, lĩnh vực cần tư vấn rất rộng từ Kinh tế vĩ mô đến vi mô, từ Quản trị tái cấu trúc, Quản trị chiến lược, Quản trị kinh doanh, đến quản trị đầu tư, Quản trị nhân sự, Quản trị sản xuất và công nghệ, Quản trị thương hiệu, Quản trị tài chính,… M&A, thậm chí cả quản trị khủng hoảng.

Dù là lĩnh vực nào, vấn đề cốt tử là Năng lực Cá nhân và Năng suất Tổ chức! Thích ứng Thay đổi để Chủ động thành công! Năng lực yếu kém hay buông lỏng thời gian dài ở nhiều cấp không chỉ ở cấp thừa hành, thực thi tạo ra kết quả mà cả ở cấp tham mưu, kế hoạch kiểm soát hiệu quả và cả cấp quản trị lo cho chiến lược và chịu trách nhiệm với hậu quả. Con số về năng suất của Việt nam so với các nước là 1/5 so với Thái lan, 1/15 so với Mã lai và 1/23 so với Hàn Quốc (Viện Năng suất quốc gia – 2009) hay con số so sánh về năng suất do một số chuyên gia ĐHKT thực hiện còn đáng buồn hơn rất nhiều mà Vietnamnet công bố vào tháng 8/2012 vừa qua thật đáng để chúng ta suy ngẫm.

Dù là lĩnh vực nào, vấn đề cốt tử là Năng lực Cá nhân và Năng suất Tổ chức! Thích ứng Thay đổi để Chủ động thành công! Năng lực yếu kém hay buông lỏng thời gian dài ở nhiều cấp không chỉ ở cấp thừa hành, thực thi tạo ra kết quả mà cả ở cấp tham mưu, kế hoạch kiểm soát hiệu quả và cả cấp quản trị lo cho chiến lược và chịu trách nhiệm với hậu quả. Con số về năng suất của Việt nam so với các nước là 1/5 so với Thái lan, 1/15 so với Mã lai và 1/23 so với Hàn Quốc (Viện Năng suất quốc gia – 2009) hay con số so sánh về năng suất do một số chuyên gia ĐHKT thực hiện còn đáng buồn hơn rất nhiều mà Vietnamnet công bố vào tháng 8/2012 vừa qua thật đáng để chúng ta suy ngẫm.

Khách hàng của nhà tư vấn quản trị hôm nay không chỉ là những doanh chủ, doanh nhân bắt đầu vào thị trường mới (doanh nhân nước ngoài vào thị trường VN, doanh nhân VN ra thị trường nước ngoài hay mở rộng ngành hàng) mà nhiều hơn là các doanh chủ, doanh nhân VN dù đã nắm bắt được cơ hội để tạo ra một sản nghiệp nhất định nhưng lại bị “rối tung” trong công tác quản trị doanh nghiệp, một tổ chức gồm nhiều người hơn khi phát triển trong điều kiện thay đổi rất nhanh của cả nhu cầu, cạnh tranh lần kinh tế, xã hội, thậm chí cả nhiều doanh chủ đang lâm vào tình trạng nợ, nần, phá sản,…

Các vấn đề thường gặp, dù nhu cầu tư vấn là có thật nhưng khả năng đáp ứng và các quy định pháp lý bảo vệ nhu cầu này hưa cập nhật chưa theo kịp yêu cầu của thị trường của cuộc sống. Mặt khác, công tác tư vấn doanh nghiệp cũng chưa chuyên nghiệp, dẫn đến việc một số nhà tư vấn bị mất ý tưởng, không được trả phí hay trả phí không đúng giá trị còn các doanh nghiệp thì lại than vãn rằng: tư vấn chẳng được gì, theo tư vấn hay có tư vấn mà kết quả còn tệ hơn…

Có trường hợp một số anh chị em quản lý cấp trung và cao của các MNCs (Multi National Companies) có chí hướng làm ăn riêng và muốn thử nghiệm sở trường của mình nên cùng hùn hạp, hoàn tất hồ sơ pháp lý, thuê văn phòng, phân công phân nhiệm và thậm chí chuẩn bị khai trương xong, nhưng ngay sau đó dự án Tư vấn đầy khát vọng bị đóng lại vì nhận thấy không thể vì thấy vịt có cánh giống gà nên dạy gà bơi như vịt,… Cũng có vài công ty Tư vấn ban đầu ăn nên làm ra nhưng sau mấy chương trình thì thấy quá gian nan nên lại chuyển qua đào tạo và tổ chức các hoạt động kinh doanh hay trở lại làm công – cổ cồn – vì… dễ thở hơn.

Khi yêu cầu tư vấn, khách hàng Việt nam thường chỉ nêu ra triệu chứng và đặt ngay chỉ định về cách điều trị, ví dụ thấy hàng tồn kho nhiều, việc bán hàng không thuận lợi… Họ yêu cầu Tư vấn cách bán hàng và chỉ tập trung vào bán hàng mà không cần biết việc bán hàng không được là do chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, Giá cả có phù hợp không? Thị trường có sản phẩm / chương trình cạnh tranh thế nào?… Từ đó dẫn đến đầu tư tài chính, nhân lực nhiều cho các chương trình làm cảm tính,… nên doanh số chẳng cải thiện được bao nhiêu, thậm chí cân đối lại còn bị lỗ. Trăm dâu đổ đầu tằm, họ quay sang phê bình, trách móc những người mà họ đã dày công cạy cục mời về để tư vấn cho họ. Thế nhưng nếu phân tích kỹ, chọn đúng điểm điều trị thì họ nào có nghe tư vấn đâu, họ bảo không phải,… họ cho rằng mười mấy năm kinh nghiệm của họ là trên hết, họ quên rằng điều mình biết luôn ít hơn điều mình chưa biết và mọi việc thay đổi rất nhanh, họ cho rằng mới bơi suốt dưới biển bằng chân nhái rất nhanh nên lên bờ đi bằng chân nhái cũng … nhanh như vậy, họ muốn tư vấn nói theo ý họ hay muốn Tư vấn nói mọi người làm theo ý họ (mượn lời),… có trường hợp lại gặp người tư vấn chưa đủ tâm lẫn tầm, chỉ sao chép đâu đó rồi viết ra tràng giang đại hải các công thức, quy trình, khó hiểu, phức tạp bảo phải đi theo,… mà làm theo cái nào thì … thất bại cái đó vì có ai theo đâu,… họ không tin lấy gì họ theo. Cũng có tư vấn theo kiểu xúi làm, rồi Sai đâu Sửa đó, dẫn đến nhiều lúc rối vì Sai đó Sửa đâu? Và rồi… Sửa đâu thì sai đó. Vậy bản chất vấn đề là gì ?

Các vấn đề cần giải quyết hiện nay

Với nhà tư vấn: Cần có năng lực chuyên môn sâu, bản lĩnh nghề nghiệp sắc, hiểu biết rộng, biết khái quát mà không thiếu, biết chi tiết mà chẳng thừa, cần hướng đến mục tiêu và kết quả cuối cùng, không nên chăm chăm vào việc bảo vệ quyền lợi tài chính của mình. Song song đó, để có niềm tin cần có sự thấu cảm sâu sắc và chia sẻ cùng thân chủ của mình bởi vì có Cảm thì Thông và có Thông sẽ Cảm, cuộc sống cũng cần nhà tư vấn liên tục học hỏi trau dồi kiến thức và tiếp cận vấn đề một cách cầu thị, khách quan, không nên chỉ chủ quan dùng kinh nghiệm xưa cũ của mình để áp đặt máy móc vào môi trường nội bộ và kinh doanh của thân chủ – khách hàng trong điều kiện mới, khi mọi thứ biến đổi rất nhanh. Cần tôn trọng thân chủ – khách hàng nhưng cũng phải thẳng thắn, kiên quyết ngăn những suy tính hay quyết định sai trái có thể dẫn đến rủi ro mà họ chưa ý thức được. Luôn cho các giải pháp trong mọi trường hợp kể cả khi đã chia sẻ hướng dẫn mà không được thực thi thì cũng hạn chế câu “Thấy chưa? Đã bảo rồi!”

Với người sử dụng tư vấn: Trân trọng giá trị thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống, giải pháp, hướng dẫn,… của nhà tư vấn. Phản biện tối đa theo kinh nghiệm của mình để tìm chân lý chứ không nên Phản bác vì điều mình biết luôn ít hơn điều mình chưa biết. Tranh luận tới cùng khi chưa tin, chưa rõ, nhưng khi đã rõ, đã tin thì triệt để thực hiện và liên tục cập nhật thông tin, diễn biến và kết quả cho nhà tư vấn. Người sử dụng tư vấn cần hiểu rõ giá trị vô hình là rất quan trọng. cần hợp tác chân thành, cung cấp thông tin trung thực, chuẩn xác và kịp thời cho nhà tư vấn. Tôn trọng và tích cực hợp tác trong quá trình thảo luận tìm ra giải pháp và thể hiện hết các vấn đề của tổ chức – doanh nghiệp. Không nóng vội, biết tiếp thu ý kiến, quyết đón và kiên trì, bình tĩnh trong mọi trường hợp, đặc biệt cần trân trọng và suy nghĩ kỹ về các vấn đề, giải pháp,… nhà tư vấn đã góp ý và trình bày.

Tư vấn… ngày mai … ở Việt nam

Giống như bác sĩ tìm giải pháp điều trị và chăm sóc người bệnh, tư vấn là nghề chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, giải pháp với thân chủ. Nếu bác sĩ cần lắng nghe bệnh nhân, xét nghiệm chu đáo, phân tích kỹ các kết quả xét nghiệm, đối chiếu y văn… để đưa ra được phác đồ điều trị mà khi cho toa thuốc vẫn cần hết sức thận trọng theo từng giai đoạn, liên tục theo dõi diễn tiến con bệnh để điều chỉnh kịp thời và hướng đến việc điều trị dứt bệnh thì nhà tư vấn quản trị với doanh nghiệp cũng vậy cần Nghe kỹ, Nghĩ sâu, giải pháp liên hoàn, theo dõi diễn tiến, điều chỉnh kịp thời…

Cần khảo sát kỹ hiện trạng, nghiên cứu kỹ thị trường đủ cả Tam Định (Tính Lượng Thời) Tam Cầu (Đã, Đang, Chưa) để tìm khoảng trống thị trường phù hợp và Định vị cơ hội kinh doanh, Thương hiệu (cá nhân tôi thường khuyến khích doanh chủ nên thuê NCTT qua những đơn vị chuyên nghiệp theo yêu cầu cần tìm hiểu của mình), hiểu rõ đối tượng mục tiêu, đối thủ cạnh tranh, môi trường kinh doanh và các vấn đề pháp lý trước khi hoạch định chiến lược, đưa ra hướng dẫn thực thi các chiến thuật và kế hoạch ngắn hạn cho doanh nghiệp. Phải cập nhật thông tin và điều chỉnh kịp thời nếu cần thiết, nhằm về mục tiêu đã xác định. Và điều đặc biệt là phải quản trị tất cả các vấn đề đó trong một thời gian hạn định.

Một số dạng tư vấn doanh nghiệp VN thời gian qua:

  • Tư vấn theo giờ
  • Tư vấn theo dự án
  • Tư vấn theo vấn đề và có thời gian kéo dài
  • Tư vấn đồng hành

Nghề tư vấn và cơ hội cho năm 5 năm tới, có thể tập trung vào 3 nhóm:

Ngắn hạn: Tư vấn giải pháp chiến thuật nhằm giải quyết vấn đề cụ thể thường là các vấn đề tồn kho, thiếu tiến mặt, pháp lý hay giải quyết khủng hoảng.

Trung hạn: Tư vấn về một chương trình hay một nhóm các hoạt động chức năng cần thiết cho doanh nghiệp, thường là tư vấn về sự phát triển chuyên môn từng hay các chức năng, như việc thiết kế một số quy trình mẫu biểu hay việc nghiên cứu thị trường hoặc phát triển sản phẩm mới, cách tiếp thị quảng bá, PR cho sản phẩm,… Tư vấn nhóm này thường chỉ đáp ứng nhu cầu cục bộ nên dẫu thành công ban đầu nhưng cung thời gian cũng dễ dẫn đến sự mất cân đối trong tổng thể doanh nghiệp, khiến bộ phận này làm tốt nhưng bộ phận kia lại đáp ứng không kịp dẫn đến lãng phí và không thực sự đem lại hiệu quả.

Dài hạn: Tư vấn quản trị, tư vấn chiến lược và tư vấn đồng hành. Nhằm giải quyết và tốt đa hóa các vấn đề khai thác và gia tăng hiệu quả, từ đó tạo ra sự phát triển vững bền của doanh nghiệp như tư vấn tái cấu trúc, tư vấn đầu tư lớn, tư vấn bán đi, mua lại, sang nhượng các công ty và cổ phiếu, cổ phần công ty. Không chỉ giảm thiểu rủi ro mà còn có tác động liên thông đến các công ty có thể tích hợp nguồn lực Tranh cơ, Phòng rủi nhằm chủ động tìm thế thống trị thị trường,… Phần lớn công việc tư vấn là không dễ dàng vì thực tế luôn có những đòi hỏi khắt khe và nghiệt ngã và nhiều điếu thấy đúng hôm qua hôm nay đã không còn đúng thấy hợp người này nhưng chưa chắc đã hợp với người khác. Để làm nghề tư vấn cần nhiều yếu tố và phẩm chất, tuy nhiên có 3 điều quan trọng thường bị bỏ quên hay bỏ qua:

Nhà tư vấn cần có tâm, quan tâm đến công việc của thân chủ và chính thân chủ, tận tình chia sẻ, nhà tư vấn cần có đủ tài năng, kinh nghiệm chuyên môn và vốn sống và liên tục tìm hiểu, tư duy, tìm giải pháp cho các vấn đề của khách hàng. Nhà tư vấn cần tích cực truyền thông và hướng dẫn cặn kẽ, chia sẻ hết mình nhưng không nên tham gia vào quá trình điều hành hoạt động hay thay thế vai trò của các nhân viên trong tổ chức. Và điều không thể thiếu là nhà tư vấn cần có đạo đức để thấu cảm đồng nhành, động viên, chia sẻ, hỗ trợ, chăm sóc thân chủ cho đến khi bình phục và phát triển khỏe mạnh. Đạo đức của nhà tư vấn cũng nằm ở tính bảo mật thông tin, giữ uy tín cho thân chủ,… không làm song hành hay vô tình /cố ý làm lộ thông tin với các đối thủ cạnh tranh của thân chủ,…

Khách hàng sử dụng tư vấn với thái độ cầu thị, củng cố niềm tin, tham gia kiên trì, một lòng hướng đến mục tiêu chung. Tham gia trực tiếp, càng nhiều, càng sâu, càng kiên trì thì càng nâng cao hiệu quả, và thực hiện các nghĩa vụ với nhà tư vấn đúng hạn. Khách hàng cũng cần lưu ý không được ỷ lại, dựa dẫm để nàh tư vấn điều hành tổ chức thay mình hay dùng tư vấn như hình nộm để thực hiện ý muốn của mình. Khách hàng sử dụng tư vấn cần hiểu và đánh giá đúng thành quả và công lao tâm sức của nhà tư vấn vì đây là giá trị vô hình thường khó đong, đếm,… nhiều vấn đề khi chưa biết thì không lối ra, khi biết rồi nhiều khi lại thật dễ dàng,..như câu chuyện 1 tiếng búa giá 10.000 USD hay 1 mũi kím trị giá 100.000 USD, nếu không nhận thức đúng sẽ dễ nghe bàn tán, phủ nhận tâm sức của nhà tư vấn.

Cả hai cần thống nhất các mục tiêu, giá trị đem lại, thời gian hạn định và việc phối hợp chặt chẽ; Thể hiện sự tin cậy và tôn trọng nhau cùng hợp tác giải quyết các vấn đề, không tiếc công sức và dồn toàn bộ tâm huyết để thực hiện cho được mục tiêu chung. Thắng không kiêu, bại không nản. Xem đây là cơ hội quý báu để cùng hoàn thiện, trải nghiệm và học hành và trưởng thành. Việc xã hội ngày càng phân nhiệm chuyên môn hóa cao, đi vào nền kinh tế dịch vụ và kinh tế tri thức, chắc chắn rằng kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và năng lực hợp tác tích hợp, tư duy hệ thống – logic, thái độ sống tích cực và kiên trì hành động sẽ là chìa khóa thành công cho từng cá nhân và các tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt ở quy mô toàn cầu.

12 dự báo của tác giả dành cho các doanh gia nghiệp chủ hoạt động tại VN

1. Gia tăng cạnh tranh đa phương sau WTO là TPP: Các cạnh tranh nội – ngoại, quốc tế – địa phương, nền kinh tế, vùng lãnh thổ, các yêu tố chính trị, an ninh… sẽ ảnh hưởng ngày càng nhiều song song đó năng lực sản xuất và tính chuyên nghiệp hóa của các doanh nghiệp cùng tốc độ phát triển CNTT ngày càng cao.

2. Khát nhân lực, đặc biệt là nhân lực Mid Management (MM) và Senior Management (SM): vòng lẩn quẩn của các doanh nghiệp là trả lương cao để giành cho được người mình muốn nhưng đòi hỏi nhiều, và không tổ chức bộ máy, hệ thống do thiếu chiến lược, dẫn đến chóng chán, làm mất nhân lực kéo theo sự lãng phí lớn về thời gian, tiền bạc và dẫn đến việc hoạt động kém hiệu quả. Cần giải pháp toàn cục hơn là do các doanh nghiệp làm tự phát đơn lẻ. Cam kết của doanh nghiệp với nhà tư vấn hay người lao động và ngược lại là yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo ra sự ổn định nhân lực tương đối.

3. Gia tăng nhanh và mạnh nền kinh tế khu vực dịch vụ: Nghề thời thượng là truyền thông, tư vấn; sale; supply chain; hoạt động xã hội. Hàm lượng tri thức ngày càng tăng trong từng sản phẩm dịch vụ. Lao động cơ bắp, nguyên vật liệu thô và giá trị hữu hình ngày càng giảm

4. Phân cực giàu nghèo ngày càng cao, do vậy các vấn đề về công đoàn chuyên nghiệp và quan tâm đến người lao động là đặc biệt cần thiết để tạo môi trường làm việc tốt hơn. Cần khuyến

khích từ ái, từ thiện, thúc đẩy dạy nghề, học nghề. Cần cổ vũ cho triết lý vị nhân sinh, cá nhân vì xã hội, bảo vệ môi trường sống, tiết kiệm cho tương lai, giá trị của mình phụ thuộc vào thái độ và hành động của mình, cái mình tạo ra cho cộng đồng,..

5. Ảnh hưởng của công nghệ thông tin internet, network và community: Ảnh hưởng của CNTT đặt ra yêu cầu thông tin minh bạch và trách nhiệm công dân. Tuy nhiên đây cũng là vũ khí bẩn của những kẻ kém nhân cách dùng để gây áp lực với đối tượng. Tạo thông tin nhiễu, ảo,… Do vậy rèn luyện bản lĩnh, phòng ngừa rủi ro, tu dưỡng và giữ mình và trách nhiệm xã hội là yêu cầu cần thiết với mỗi cá nhân và thương hiệu đặc biệt là những người thành đạt. Sẽ ngày càng nhiều các môi trường, cơ hội để tạo ra các cộng đồng – network có chung mức sống, sở thích, năng lực. Sự tương tác giữa các nhóm này ban đầu là tích cực, sau đó sẽ có chiều hướng tiêu cực dần và sau quá trình tranh giành thể hiện,… để hoàn thiện sẽ trở lại tích cực hơn trước.

6. Giáo dục, mối lo hàng đầu: Giáo dục trở thành mối lo hàng đầu của mỗi gia đình, tổ chức và cả xã hội. Nhu cầu nhân lực có khả năng tư duy logic, thái độ tích cực và dù rất tự tin nhưng biết tôn trọng điều khác mình, người khác mình, dù không ngừng học hỏi nhưng biết điều mình biết luôn ít hơn điều mình chưa biết, biết nhận lỗi sửa sai, dám thể hiện mình nhưng không phủ nhận người khác, biết học hỏi và áp dụng,… trở thành nhu cầu thường trực và là chìa khoá thành công của từng con người, vì năng cao năng lực cá nhân hướng đến hoàn thành mục tiêu của tổ chức chinh là nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của tổ chức. Vì điêu mỗi người – cá nhân biết luôn ít hơn điều người ấy chưa biết và diều người ấy chưa biết thì có thể ngay người bên cạnh, hàng xóm, đồng nghiệp, sếp, đối tác thậm chí cả nhân viên của họ có thể biết. Do vậy cách học của người thành công – cách học của tương lai: Cách học của người thành công là học liên tục, học hỏi mọi nơi và ứng dụng mỗi ngày.

7. Liên kết – Tích hợp từ hoạt động marketing, hệ thống phân phối đến việc tích hợp các công ty: Việc chọn lựa một đối tác phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng. Uy tín, hình ảnh của một bên tham gia liên kết sẽ có ảnh hưởng trực tiếp lên uy tín, hình ảnh của các bên còn lại. Phạm vi hoạt động của các đối tác cũng là một yếu tố mà doanh gia nghiệp chủ cần phải cân nhắc để đảm bảo lợi thế kinh doanh, lợi ích hữu hình và vô hình của các thành viên liên quan. Nếu ở vai trò là người khởi xướng sẽ có nhiều lợi thế trong việc chọn lựa các đối tác thích hợp. Cần hiểu rõ hơn tính nhân văn của luật phá sản, biết hợp tác, bán đi mua lại, biết lấy gì, bỏ gì, biết ưu tiên, quan trọng, biết nhìn nhận chiều sâu là những điều doanh chủ Việt nam cần chú ý!

8. WTO kéo theo sự đổ bộ không chỉ của sản phẩm mà còn các dịch vụ hỗ trợ DN và lộ trình giảm thuế quan – TPP không chỉ vậy còn xa hơn trong hợp tác về an ninh, môi trường: Song song với việc rất nhiều hàng hóa giá rẻ vào VN, thị trường dịch vụ xuyên quốc gia trong thời gian tới. Các phương thức kinh doanh và hỗ trợ kinh doanh như truyền thông đa cấp, tiếp thị trực tuyến, tiếp thị quảng cáo qua blog, web,… tiếp thị truyền khẩu,… cả điều tích cực lẫn cái tiêu cực sẽ “đổ bộ” vào VN. Cần có viễn kiến để chuận bị sớm chuẩn bị tốt và thích ứng nhanh, nếu với cách nghĩ, cách làm đã qua, không chịu thích ứng thay đổi,… doanh chủ nói riêng và kinh tế Việt nam nói chung sẽ mất nhiều hơn được.

9. Nông Lâm Ngư nghiệp và các ngành hỗ trợ – liên quan sẽ được chú ý quan tâm và đầu tư sau thời gian dài bi bỏ quên vì nhận thức sai lầm về sự dịch chuyển cơ cấu xã hội và phát triển kinh tế xã hội qua các nên kinh tế và giá trị trọng tâm đóng góp cho sự phát triển từng thời kỳ. Cơ hội tri thức hóa Nông Lâm Ngư nghiệp bằng gia tăng chất lượng, cải thiện giống, phương pháp canh tác, nuôi trồng,… đầu tư chất xám để nâng cao năng suất, nâng cao khả năng kháng chịu, thích ứng, phẩm chất sản phẩm, khả năng bảo quản trong quá trình, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch là những cơ hội lớn.

10. Lao động tự do, làm công, làm nhà đầu tư hay làm chủ? Lao động tự do sẽ ngày càng nhiều và chỉ những người tài giỏi, có bản lĩnh mới có thể thành công. Số còn lại vẫn làm công và tìm một nơi ổn định. Thất nghiệp gia tăng do quy luật đào thải tự nhiên. Tài sản có được do cơ hội, quen biết, chụp giật, móc ngoặc, tham ô, tham nhũng sẽ dần được phát hiện, tranh đấu, loại bỏ và thay thế bằng tài sản tường minh từ năng lực sáng tạo, lao động chân chính, quản trị chuyên nghiệp, đúng người đúng việc. Song song việc làm chủ từng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cơ hội để làm chủ cũng nhiều hơn do việc tham gia làm chủ sẽ có nhiều hình thức hơn, qua thị trường chứng khoán, qua các đóng góp và chương trình chia, nhận cổ phần.

11. Từ Quản trị gia trưởng, thuận tiện đến tùy tiện chuyển qua Quản trị Chuyên nghiệp, Quản trị duy cảm chuyển qua Quản trị theo Tam Lý (đúng Đạo lý có Luận lý và biết Tâm lý): do năng lực tư duy hạn chế, không chú ý thống kê số liệu, không đọc và hiểu được ý nghĩa con số và hiện tương 1 cách sâu sắc, vẫn còn các quản trị kiểu Bóp chặt rồi Buông lỏng, Buông lỏng rồi lại Bóp chắt, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý cá nhân và năng lực của tổ chức. Chỉ khi nhà quản trị chịu khó tư duy, tìm hiểu cạn kẽ, không sa đà vào kiển ăn xổi ở thì, quyết đòn mà kiên trì, hiểu gia trí của lao động sáng tạo, biết xây dựng và dẫn đắt đội ngũ theo đúng đạo lý với đầy đủ luận lý và tiếp cận từng cá nhân 1 cách tâm lý (theo phương pháp Tam lý của LTC) thì mới tạo ra được những giá trị mới có thể đi nhanh vượt trước.

12. Thay đổi mạnh mẽ thị trường hướng đến Cá Nhân – Di động và Internet: Mọi thứ đều thay đổi rất nhanh, định hướng cho hoạt động và thị trường là Khai thác tối đa CNTT, di động hóa, thông tin, dịch vụ và sản phẩm cần cá nhân hóa và có thể tùy biến. Phục vụ nhu cầu thiết yếu Ăn, Mặc, Chăm sóc, Y tế, Giáo dục và Công việc làm chủ sẽ ít hấp dẫn hơn là làm thuê ổn định. Hàng xuất xứ trung quốc sẽ giảm dần ảnh hưởng hàng Việt nam đần được chú ý nhiều hơn, sẽ có hiện tương gia tăng hàng Trung quốc đội lốt các thương hiệu thậm chí địa chỉ sản xuất tại Việt nam. 

Related News

SỰ KIỆN: CONSULTING CAFE #70 “INNOVATION AND ENTREPRENEURSHIP SPECIALIZATION”

SỰ KIỆN: CONSULTING CAFE #70 “INNOVATION AND ENTREPRENEURSHIP SPECIALIZATION”

Trong thời gian gần đây, khái niệm VUCA đã trở nên quen thuộc với các nhà quản lý. VUCA là từ viết tắt của Volatility – Biến động, Uncertainty – Bất ổn, Complexity – Phức tạp và Ambiguity – Mơ hồ. Khái niệm này chủ yếu được dùng trong phạm vi kinh doanh, nhằm mô tả về...

Communication skills in consulting

Communication skills in consulting

Kĩ năng giao tiếp chính là chìa khóa trong kinh doanh giúp chúng ta chinh phục được trái tim khách hàng. Chính vì vậy, khóa học "Communication skills in consulting", một phần trong chương trình đào tạo của MBA-MCI, được ra đời.Với mục đích nhằm trang bị cho người học...