Hajime Hotta, Chủ tịch công ty Cinnamon cho rằng điểm mạnh của những người làm start-up tại Việt Nam là chăm chỉ và học hỏi rất nhanh. Tuy nhiên, điểm yếu của họ là chưa tạo ra được những ý tưởng thật sự đổi mới. Bên cạnh đó, nhiều người khởi nghiệp vẫn thiếu các kiến thức về tài chính và huy động vốn.
Ở đây, anh đã tìm kiếm, tư vấn và rót vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong giai đoạn đầu, trải dài khắp khu vực Đông nam Á. Trong số đó, có 6 startup tại Việt Nam. Anh cũng là người đồng sáng lập vườn ươm khởi nghiệp Innovatube.
Hiện nay, Hajime đang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Cinnamon – một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Singapore. Doanh nghiệp này đang phát triển phần mềm PicChat trên Android, iOS và hướng tới thị trường Đông Nam Á. Sản phẩm mới nhất của Cinnamon là mạng xã hội TUYA trên điện thoại di động. TUYA là một công cụ giúp người dùng thể hiện bản thân thoải mái hơn bằng cách trợ giúp việc quay video dạng ngắn 4 giây trở nên dễ dàng.
Cùng xem bài phỏng vấn để biết rõ hơn ý kiến của anh Hajime Hotta về start up Việt
PV: Xin anh giới thiệu về một số startup mà anh đã đầu tư tại Việt Nam?
Hajime Hotta: Tính đến nay, tôi đã đầu tư vào 6 công ty khởi nghiệp tại Việt Nam. Trong đó có Lozi (startup đã gọi vốn thành công từ Golden Gate Ventures và DesignOne Japan); Beeketing (công ty được quỹ 500 Startups đến từ thung lũng Silicon đầu tư). Ngoài ra còn có Antoree, Meete, AbbyCard…
PV: Tại sao anh lại đầu tư vào Việt Nam? Anh đánh giá như thế nào về môi trường startup tại đây?
Hajime Hotta: Tôi rất ấn tượng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ngoài ra, quốc gia này còn có rất nhiều kỹ sư tài năng so với các nước Đông Nam Á khác – đây là điều rất quan trọng đối với cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn tương đối non trẻ. Mọi người rất hào hứng với phong trào startup, ngày càng có thêm nhiều sự kiện và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư mạo hiểm có nguồn vốn mạnh tại đây vẫn còn khá hạn chế.
PV: Theo anh, những người làm startup Việt có điểm mạnh và điểm yếu gì?
Hajime Hotta: Điểm mạnh của những người làm startup ở Việt Nam là họ chăm chỉ và học rất nhanh. Tuy nhiên, điểm yếu là chưa tạo ra được những ý tưởng thật sự đổi mới. Bên cạnh đó, nhiều người khởi nghiệp vẫn thiếu các kiến thức về tài chính và huy động vốn.
PV: Anh thường cân nhắc những yếu tố nào khi quyết định đầu tư?
Hajime Hotta: Khi đầu tư vào một quốc gia, tôi thường xem xét 3 yếu tố. Thứ nhất là ở đó có dễ dàng tìm được những kỹ sư giỏi hay không?. Thứ hai là thị trường có đủ lớn? và thứ ba là luật pháp có hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp hay không?
PV: Theo anh, đâu là điểm khác biệt giữa start-up tại Việt Nam và Nhật Bản?
Hajime Hotta: Một số người Việt Nam khởi nghiệp mà không dành thời gian để tìm hiểu kỹ về lĩnh vực mình theo đuổi. Trong khi người Nhật thường dành khoảng 1 năm để xác định mình nên làm gì.
PV: Anh có lời khuyên gì cho các start-up muốn gọi vốn từ các nhà đầu tư?
Hajime Hotta: Các startup nên tìm cho mình những người cố vấn giỏi càng sớm càng tốt. Ngoài ra, họ cần suy nghĩ một cách sâu sắc và nghiêm túc về thị trường mà mình theo đuổi. Hãy thử lập ra ít nhất 20 bản kế hoạch kinh doanh sau đó đánh giá xem đâu là những điều khả thi nhất.
Cảm ơn anh!
Tham khảo: Cafe.vn