Các khóa MBA ngày càng thu hút nhiều người học. Thực chất, có phải chứng chỉ MBA là “chìa khóa vạn năng” mở ra cánh cửa bước đến tương lai sáng lạn hay đó chỉ là sự ngộ nhận của những người dùng bằng cấp làm “trang sức” cho bản sơ yếu lý lịch?
Rằng hay thì thật là hay
Một điều không thể phủ nhận là MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) là chương trình đào tạo sau đại học (từ 1 – 2 năm) phổ biến nhất toàn cầu hiện nay.
Các khóa học MBA được chiêu sinh tại Việt Nam ngày càng đa dạng về hình thức: du học, liên kết với nước ngoài, học tập trung tại Việt Nam và cả đào tạo từ xa. MBA trang bị cho người học cả lý thuyết lẫn thực hành trong lĩnh vực quản trị kinh doanh.
Về cơ bản, MBA là bằng cấp chứng nhận bạn có khả năng chung trong tất cả các vai trò, có chức năng quản lý ở một công ty hiện đại.
Theo một thống kê của nước Anh, hơn 90% các ứng viên có chứng chỉ MBA có thể tăng thu nhập từ 40 – 100% lương và hầu hết được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo cấp cao hơn trước đó.
Chính vì vậy, không chỉ các cá nhân, ngay cả các công ty cũng có chính sách hỗ trợ nhân viên lấy MBA sau khi đã “quy hoạch” nhân sự và muốn giữ chân các nhân viên chủ chốt.
Chị Th., nhân viên một công ty cà phê có văn phòng ở Lâm Đồng, cho biết: “Tôi được công ty cấp học bổng trị giá 5.000USD để học MBA theo hình thức đào tạo từ xa để sau này bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo một chi nhánh mới.
Nhưng hiện có quá nhiều khóa học MBA nên tôi vẫn chưa biết chọn nơi nào thật sự uy tín để học”. Thực tế, giá trị của MBA phổ quát không chỉ trong ngành kinh doanh, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.
Không chỉ đơn thuần là lương cao hay chức vụ, một chương trình MBA chất lượng còn mang đến cho người học những giá trị bền vững của kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, sự quảng giao và khả năng tự học hỏi.
Tuy nhiên, không phải tấm bằng MBA nào cũng có giá trị, đặc biệt là giá trị quốc tế. Hơn nữa, nhiều người cũng không hiểu rõ bản chất MBA là gì, và không chọn được một MBA phù hợp, nên tấm bằng MBA tuy đắt nhưng chưa chắc “xắt ra miếng”.
Đỏ không hẳn là chín
MBA là điểm tựa để người sở hữu nó có thể thăng tiến, nên nhiều người quyết tâm đạt được mà không hiểu rằng sẽ cực kỳ sai lầm nếu xem bằng cấp là bệ phóng và phương tiện duy nhất để ngay lập tức trở thành “ngôi sao” trong một tập thể.
TS. Cao Minh Trí (Đại học Kinh tế TP.HCM) phân tích: “Có MBA thì tốt, nhưng không có nghĩa mọi thứ đều tốt ngay sau khi bạn có nó. Bởi không một doanh nghiệp nào dám mạo hiểm bổ nhiệm bạn vào một chức vụ quan trọng ngay khi khả năng của bạn chỉ mới là tấm bằng MBA.
Bất kể là loại hình kinh doanh nào, điều người ta cần ở một nhân viên ngoài kiến thức và kỹ năng còn là kinh nghiệm thực tế. Hơn nữa, doanh nghiệp là một tập thể chứ không phải chỉ có một cá nhân mà mọi người phải phục tùng”.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, MBA phù hợp với những chuyên viên đã có bề dày kinh nghiệm và sự thăng tiến của cá nhân là do hiệu quả công việc mang lại. MBA sẽ thực sự hữu ích nếu bạn mới bắt đầu một công việc quản lý, từ cấp độ nhỏ.
Các khóa học MBA nước ngoài đưa vào nhiều tình huống để người học nghiên cứu và áp dụng trong quá trình học tập. Do vậy, nhiều khóa đào tạo MBA khuyên người học cần có hai năm kinh nghiệm trước khi theo học.
Về bản chất, học không phải vì bằng cấp, mà vì cần trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm để phục vụ cho việc quản trị. MBA rõ ràng là một tấm áo đẹp, hấp dẫn, nhưng nó chỉ sang trọng và thực sự đẹp nếu người mặc không dùng “áo gấm” để “đi đêm”.
(Theo Doanh nhân)