Để gọi vốn thành công: Phải hiểu nhà đầu tư trước đã!
Cũng giống như một cuộc tình, nếu chàng muốn có được cái gật đầu của nàng, chàng sẽ phải tìm mọi cách hiểu nàng. Start up muốn được nhà đầu tư rót vốn cũng phải hiểu “nàng” trước đã!
Có quá nhiều điều mà một người khao khát khởi nghiệp thành công phải tính, dẫu sau khi đã “vượt cạn” thành công với đứa “con đẻ” trông bụ bẫm, khỏe mạnh. Nhưng cũng giống như hình hài một đứa trẻ, một sản phẩm trông có vẻ tốt chưa chắc đã lớn mạnh, có giá trị cho thị trường. Một trong những câu hỏi đầu tiên mà “cha đẻ” lúc này phải tính tới là tiền đâu mua sữa cho con. Và rồi “cha đẻ” bước ra khỏi nhà đi gọi vốn. Lại một lần nữa, có quá nhiều vấn đề phải tính tới khi gọi vốn nhưng cũng giống như một cuộc tình, nếu start up muốn có được cái gật đầu của nhà đầu tư thì phải làm cho họ thấy êm tai trước đã. Hẳn là phải hiểu rõ họ yêu gì, ghét gì mới mong nhận được dòng tiền rót ra rất cẩn trọng từ những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Yêu thuốc giảm đau
Ông Trần Duy Khiêm, diện tại thị trường Việt Nam của quỹ đầu tư Singapore Expara đã chia sẻ điều nhà đầu tư yêu thích hàng đầu là… thuốc giảm đau. Nếu người gọi vốn cung cấp một giải pháp ngay lập tức xoa dịu được cơn đau, giải quyết được vấn đề của thị trường thì xem như người gọi vốn đã lọt vào mắt xanh nhà đầu tư ngay từ cái nhìn đầu tiên rồi. Tất nhiên, chẳng phải mối tình sét đánh nào cũng đến được với hôn nhân nhưng chẳng phải cái nhìn đầu tiên luôn rất quan trọng đó sao?
Rõ ràng giá trị thị trường của sản phẩm luôn là yếu tố nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Phải giải quyết được vấn đề của thị trường thì sản phẩm mới có khách hàng, cha đẻ mới “có tiền mua sữa” mà nuôi sản phẩm lớn mạnh và phát triển công ty.
Vậy mà không ít start up Việt đã không hiểu, lắm lúc là cố tình không hiểu bài học cơ bản đó: bài học thị trường, bán hàng bị phớt lờ, chỉ chăm chăm vào những sản phẩm mà tự thân cảm thấy rất hay, rất tốt, chỉ có điều đôi khi không giải quyết nhu cầu của ai hết! Đã có start up Việt từng đổ rất nhiều công sức vào phát triển một ứng dụng chia sẻ thú cưng trông tiện dụng, về mặt kỹ thuật rất ổn. Nhưng khi đem nó ra để gọi vốn thì không trả lời được câu hỏi đầu tiên của nhà đầu tư: ở Việt Nam, ai là người sẵn lòng chia sẻ thú cưng ? Đành tiu nghỉu ra về, xếp xó sản phẩm đã lao tâm khổ tứ bao ngày tháng!
Hãy thử nhìn vào những liều “thuốc giảm đau cực mạnh” trên thị trường sẽ hiểu ngay trọng lượng của nó trong mắt nhà đầu tư. Uber là một ví dụ điển hình. Ông Khiêm phân tích bằng 2 câu hỏi để giải thích vì sao “liều thuốc” này mạnh đến thế: có nhiều người muốn đi lại bằng xe cá nhân một cách tiện dụng và chi phí thấp không ? Có nhiều tài xế muốn lái xe với không quá nhiều ràng buộc hay không?
Ghét người hào phóng
Lương của cha đẻ hay người sáng lập luôn là một trong những yếu tố mà nhà đầu tư phải thương lượng rất nhiều với người gọi vốn, theo chia sẻ của ông Khiêm. Quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư là phát triển công ty, phát triển thị trường trong khi với không ít nhà sáng lập, lương cao là điều họ đặt nặng đầu tiên. Mâu thuẫn này lắm lúc đã khiến cho 2 bên không tìm được giải pháp, đường ai nấy đi. Ngoài ra, ông Khiêm cho biết nhà đầu tư luôn muốn người vận hành công ty là cổ đông quan trọng trong công ty, cùng với các thành viên chủ chốt phải nắm giữ ít nhất 50% cổ phần của công ty để gắn bó, tâm huyết, “sống chết” với con đẻ của mình.
Nhà đầu tư cũng thường ghét sự hào phóng của nhiều người gọi vốn. “Có người hào phóng đến khó hiểu, chẳng hạn dễ dãi tặng 5% cổ phần công ty cho người đi xin giấy phép trong khi người đó không có tí đóng góp nào cho sự phát triển của công ty “, ông Khiêm dẫn ví dụ.
Cũng theo chia sẻ của ông Khiêm, cấu trúc cổ đông là một trong 2 vấn đề quan trọng mà hầu hết các nhà đầu tư đầu đặt nặng hàng đầu trong kế hoạch tài chính của người gọi vốn. Vấn đề còn lại là định giá công ty – điều mà lắm người gọi vốn lại hào phóng đưa những con số trên trời không dựa trên một tiêu chí chuyên nghiệp nào.
Ngoài ra, chương trình MBA-MCI còn phối hợp với nhiều chuyên gia, liên tục tổ chức các buổi hội thảo, workshop về các chủ đề: Khởi nghiệp, đổi mới – sáng tạo, quản lý & tư vấn…
MBA-MCI Program