Một hợp đồng có giá trị kỷ lục trong tháng này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào tương lai của thị trường Việt Nam, với dân số trẻ đang tăng trưởng và thu nhập cá nhân ngày càng được nâng lên, hãng tin AFP nhận định.
Hôm 13/4 vừa qua, Quỹ đầu tư Mỹ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) loan báo quyết định mua lại 10% cổ phần của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, một nhà sản xuất nước mắm hàng đầu tại Việt Nam.
KKR hiện đang quản lý lượng tài sản trị giá khoảng 61 tỷ USD trên toàn cầu. Việc mua cổ phần của Masan là thương vụ đầu tiên của quỹ đầu tư này tại Việt Nam.
Theo đó, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan sẽ phát hành 14 triệu cổ phần phổ thông cho Kohlberg Kravis Roberts, nghĩa là sở hữu của Masan Group trong Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan sẽ giảm xuống còn 78%. Với trị giá 159 triệu USD, đây là thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) công ty tư nhân lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.
Năm tài chính 2010, doanh thu của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan đạt 5.690 tỷ đồng (272 triệu USD). Hai năm qua, Masan Group đã huy động được 500 triệu USD từ những tên tuổi uy tín như Mount Kellett, Orchid Fund…
KKR tin tưởng vào sức vươn lên của thị trường Việt Nam, phát ngôn viên Ming Lu của KKR cho biết. “Trong suốt thập niên trước, đất nước Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng kể về kinh tế, cải cách cơ cấu và nâng cao rõ rệt mức sống của người dân”, ông này nói.
Với tăng trưởng GDP bình quân hàng năm 7,1% trong giai đoạn từ 1990 tới 2009, dân số 87 triệu người của Việt Nam, trong đó khoảng một nửa dưới 30 tuổi, hiện là một lực lượng người tiêu dùng “mạnh mẽ”, ông Adam Sitkoff thuộc Phòng Thương mại Mỹ ở Hà Nội, nhận định.
“Ngày nay, khi đi bộ trên đường phố, tôi vẫn bị sốc khi nhìn thấy một đứa trẻ người Việt chừng 10 tuổi đầu đội mũ Gucci với một chiếc máy nghe nhạc iPod trên tay”, ông nói với AFP. Theo ông, nhu cầu tiêu thụ của người Việt hiện tăng vọt, sau vài thập niên với hàng hóa kém chất lượng, giá cao và ít sự chọn lựa.
Các cửa hiệu hàng xa xỉ, điện thoại di động BlackBerry hay xe hơi hiệu BMW ngày càng trở nên bình thường như những tấm băng rôn màu đỏ tươi hay tiếng loa phóng thanh trên các đường phố Hà Nội.
AFP cũng cho rằng, sau hai thập niên tăng trưởng mạnh mẽ, hiện kinh tế Việt Nam cũng có nhiều điều bất cập, như chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, nhập siêu lớn và tiền đồng suy yếu. Mới đây, tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s còn lên tiếng cảnh báo xếp hạng tín dụng của Việt Nam có thể đương đầu với áp lực lớn, nếu dự trữ ngoại hối tiêp tục giảm.
Tuy vậy, Moody’s vẫn công nhận rằng trong dài hạn, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn “tốt và đều đặn”. Theo ông Dariusz Kowalczyk, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Pháp Credit Agricole CIB, “giới đầu tư dài hạn vào Việt Nam tin rằng, các khó khăn kinh tế vĩ mô chỉ tạm thời, trong lúc tiềm năng của Việt Nam rất vững chắc”.
Với tình hình vừa lạc quan vừa dè dặt như trên, một số nhà phân tích cho rằng, việc một quỹ đầu tư lớn như KKR tin tưởng vào triển vọng của Việt Nam, sẽ có tác động lôi cuốn đối với các nhà đầu tư khác.
“Thương vụ của KKR chắc chắn sẽ khiến một số nhà đầu tư nghĩ khác”, Dan Hallett, quan chức thuộc tổ chức đầu tư HighView Financial Group, nói.
Nguồn VNECONOMY