Trong thế giới kinh doanh hiện nay, ta có thể nhận ra một sự thiếu hụt trầm trọng về thời gian và một yêu cầu chính yếu: tốc độ, tốc độ, tốc độ. Với một môi trường luôn biến động, vai trò của người quản lý cũng thay đổi đáng kể. Người quản lý không thể một mình giải quyết được vấn đề. Họ phải biến vấn đề thành một dự án để có thể giải quyết nó một cách chuyên nghiệp và nhanh chóng.
Các công ty ngày nay thường triển khai tổ chức công việc dưới hình thức các dự án. Kiến thức chuyên ngành về thiết kế dự án, xác định các nguồn lực phù hợp, khung thời gian và công cụ để phân tích, phát triển khái niệm và vận hành là các yếu tố cốt lõi của kỹ năng tư vấn. Một khi đã tìm ra giải pháp cho một vấn đề, người quản lý phải trình bày nó một cách thuyết phục và có khả năng đối mặt với chỉ trích. Điều này cũng thuộc về các kỹ năng cốt lõi của một nhà tư vấn giỏi.
Mục tiêu chính của nhiều nhà quản lý hiện nay là hỗ trợ các nhóm dự án đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng trong một thế giới không biên giới. Khả năng một tổ chức học hỏi nhanh hơn các đối thủ khác trên toàn thế giới là nguồn lực chính để đạt được lợi thế cạnh tranh bền vững. Sự kết hợp giữa vai trò một nhà tư vấn nội bộ và lãnh đạo của một đơn vị chính là chân dung các nhà quản lý ngày nay.
Do đó, không phải ngẫu nhiên mà các đơn vị tư vấn nội bộ được thành lập để hỗ trợ nhà quản lý nội bộ. Các đơn vị tư vấn nội bộ có lợi thế hơn khi hiểu rõ về công ty lẫn các cá nhân. Họ có thể hành động nhanh chóng khi một thách thức mới xuất hiện và cần được giải quyết với tinh thần cam kết hoàn toàn với công ty.
Điều này không có nghĩa là không cần các chuyên gia tư vấn bên ngoài. Họ mang đến một cái nhìn từ bên ngoài và kinh nghiệm từ một nơi khác, thiết lập quy chuẩn và cách thực hiện cụ thể trong các lĩnh vực chuyên môn. Trong nhiều trường hợp, sự kết hợp của các chuyên gia tư vấn bên trong và bên ngoài đã mang đến kết quả tốt nhất.
Trong hoàn cảnh đó, nhà quản lý phải đối mặt với nhiều nhiệm vụ tương tự như tư vấn:
- Quản lý dự án chiến lược: Có nghĩa là thực hiện đúng dự án, giải quyết các thách thức của công ty đúng cách. Quản lý dự án chiến lược chính là gắn kết hoạt động của dự án với các mục tiêu chiến lược của công ty, ưu tiên cho các dự án nhất định và phân bổ các nguồn lực cần thiết.
- Chỉ đạo dự án: Nhà quản lý phải đảm bảo rằng thiết kế dự án nhằm phục vụ cho mục đích dự án, rằng việc bố trí nhân sự được thực hiện đúng và có các cơ chế kiểm soát dự án. Điều này có nghĩa nhà quản lý phải giám sát toàn bộ hệ thống nhân viên bên trong lẫn bên ngoài.
- Tài trợ dự án: Nhà quản lý với tư cách là nhà tài trợ cho dự án phải đảm bảo rằng dự án không bị thiếu vốn. Điều này bao gồm giai đoạn thực hiện dự án.
- Marketing dự án: Nhà quản lý phải phân tích các nguy cơ trong tổ chức, để giải quyết các xung đột tạo điều kiện cho việc thực hiện thành công dự án.
- Đổi mới và liên doanh nghiệp: Dự án vốn là đổi mới; ngày càng có nhiều công ty dựa vào tinh thần doanh chủ (được gọi là “entrepreneurs”) để đảm bảo tính liên tục của các sản phẩm sáng tạo và mô hình kinh doanh.
Làm thế nào một nhà quản lý có thể phát triển những kỹ năng tư vấn trong thế giới kinh doanh ngày nay? Ở một mức độ nhất định, nhà quản lý sẽ có được kinh nghiệm trong công việc. Tuy nhiên, điều này không chỉ dẫn đến mức độ làm chủ cá nhân trong lĩnh vực yêu cầu. Chương trình liên kết giữa Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh (HCMUT) và Trường Kinh doanh của Đại học Khoa học Ứng dụng và Tây Bắc Thụy Sĩ (FHNW) chính là câu trả lời. Đây là chương trình MBA bán thời gian, định hướng thực tế về Tư vấn và Quản lý Quốc tế (MBA-MCI).
GS. TS. Rolf-Dieter Reineke
Giám đốc Chương trình MBA của Trường Kinh doanh thuộc Đại học Khoa học Ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ (FHNW)
Giám đốc cuộc thi Swiss Innovation Challenge.